NHỮNG BÀI HÁT TÔI KHÔNG THỂ QUÊN THỜI HỌC TH PLEIKU


  LÊ HOÀNG THUỴ VŨ        



( Có người thường tự cho mình có trình độ thưởng thức âm nhạc của giới trí thức nên đã có ý ám chỉ một số bài hát là nhạc “sến “, mà khổ nỗi những bài hát này lại được đa số người bình dân ưa chuộng vì mùi mẫn, vì dễ hát ... .Tôi thì rất đơn giản, bài nào ca từ có ý nghĩa, giai điệu dễ nhớ, dễ hát ..thì nghe, hay thì bảo là hay, thế thôi ! Cũng có bài hát bị người ta quy cho nó là “nhạc sến” nhưng ca từ của nó khi nghe hợp tình hợp cảnh cũng gây xúc động không kém các loại nhạc khác!! )



Thuở ban đầu ở Pleiku, phương tiện thông tin, tuyên truyền và giải trí còn hạn chế, cái công cụ hữu hiệu nhất vừa để nghe tin tức, nghe thời sự, vừa để tuyên truyền và cũng để nghe vài bài nhạc thay đổi không khí có lẽ là... cái loa sắt gắn ở nhà làng (lúc ấy người ta dùng từ này để chỉ cái nhà của Hội đồng Xã Hội Thương- Hội Phú, nay là dãy nhà của Công ty Công nghệ phẩm cũ, cách tiệm phở Hoàng 1 con hẻm ), mỗi buổi chiều quãng độ hơn 5giờ mọi người lại được nghe những bài hát: Biệt kinh kỳ, Nỗi buồn gác trọ, Chiều mưa biên giới, ..nghe buồn da diết.-Thời ấy cũng đã có người sắm được cái Radio nhưng nó có kích cỡ khá cồng kềnh vì đa số chạy bằng đèn điện tử đốt tim nên cái nào cái nấy to gần bằng cái thùng 20lít đựng dầu hoả trở lên . Sau này, cùng với sự hiện diện của các chú GI tại Pleiku, các mặt hàng PX bán cho lính Mẽo được tuồn ra ngoài,người dân Pleiku mới dễ dàng sắm được loại Radio và cassette chạy bằng bán dẫn Transistor nhỏ gọn, xinh xắn ; cũng nhờ đó mà tin tức chiến sự lan đi nhanh hơn, rộng hơn và cái sự thưởng thức các chương trình ca nhạc qua đài phát thanh, qua băng cassette mới được nâng lên một bước rõ rệt.

*Trước Tết Mậu Thân 68, bọn nam sinh chúng tôi vẫn còn chưa quan tâm lắm đến tình hình chiến sự ở quanh mình, vẫn bình thản nghe những bài nhạc tình của Trịnh Công Sơn : Lời buồn Thánh, Diễm xưa, Nhìn những mùa thu đi... Nhưng sau tết Mậu Thân thì tình hình đã khác hẳn : không khí chiến tranh như đã hiện rõ cả trong học đường, nghỉ Tết xong vào đến trường thì dãy nhà làm văn phòng và phòng họp của giáo sư bị đạn rốc két làm sập vài gian ( điều này khiến cho Thành Tích Biểu của tất cả các học sinh TH Pleiku đều thiếu những học kỳ trước tết Mậu Thân ),còn phía trên sân bóng gần trường Thánh Phao Lô vẫn còn đầy những đầu đạn M79 ..Và qua năm sau thì đâu đâu cũng rộ lên lời ca của những bài hát trong”Ca khúc da vàng” của ông Trịnh Công Sơn:

“Đại bác đêm đêm dội về thành phố ..”

hoặc :

“Mội chiếc xe tang trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan..”

Thật không có gì sát với thực tại hơn, và cũng không có gì khó hiểu cả khi ta ở vào thời điểm lúc bấy giờ !!! (Hồi đó Thầy Thuỵ , dạy môn Công dân giáo dục 1 thời gian ngắn, vẫn thường bảo học trò : Em nào thích nghe nhạc TCS thì lên nhà Thầy mà nghe, đủ cả ....)

-Ngay cả với Thầy Dự dạy môn Lý Hoá, các bài thực nghiệm mà Thầy biểu diễn cho chúng tôi xem cũng có vẻ mang tính “thời sự “, không biết vô tình hay hữu ý hoặc nhân có một học sinh nào đó thắc mắc về việc gài mìn hẹn giờ, Thầy Dự đã làm một thí nghiệm điện phân gồm : một thỏi pin làm nguồn một chiều , 2 điện cực nhúng trong dung dịch sulfat đồng màu xanh lơ và một cái đồng hồ báo thức dùng làm cái tiếp điểm hẹn giờ .Đến giờ đã chỉnh sẵn, mạch điện hoạt động,phép điện phân bắt đầu ...Tôi giơ tay xin hỏi Thầy lý do cái đồng hồ không reo khi tiếp điểm đóng ? --Thầy Dự cười nói : “Từ khi dùng nó làm tiếp điểm hẹn giờ thì cái đồng hồ hết reo luôn,có khi phải bảo thợ chữa đồng hồ xem lại hộ” . Thầy biết rõ là chúng tôi đã hiểu cái điều mà Thầy cần truyền đạt.

-Nhưng không chỉ với các Thầy VN mà ngay cả thầy Ronald, người Mỹ, thuộc Đoàn Thanh niên chí nguyện quốc tế, được trường sắp xếp dậy chúng tôi 6 giờ Anh Văn một tuần, cũng thế .( Thầy Ronald là một người có bản tính hiền lành, luôn dành cho học trò những nụ cười thân thiện, ngoài buổi học chính thức tại trường, Thầy còn mời các bạn lớp tôi đến nhà riêng của Thầy thuê ở đường Trần Quang Khải để dự những buổi học thêm Anh ngữ trong giao tiếp sinh hoạt hàng ngày; do vậy đến cuối năm học, lớp tôi đã tổ chức tiệc chia tay tại nhà Thầy--Một lần nhân lúc Thầy đang vui, tôi mạnh dạn hỏi : Có phải Thầy là nhân viên tình báo không ?.. Thầy cười hiền lành bảo không phải và Thầy cũng không ưa một số người làm công việc ấy vì Thầy có biết 1 người , anh ta tự giới thiệu tên nhưng sau tình cờ Thầy biết tên anh ta không phải như vậy!!); Một hôm, tại gian phòng học thuộc dãy nhà trệt vừa mới được xây thêm phía sau dẫy nhà lầu 1 tầng thuở ban đầu, Thầy Ronald dạy chúng tôi bài hát : “The rain on the leaves”, tức là bài “Giọt mưa trên lá “ của Phạm Duy được Steve Addiss dịch sang tiếng Anh ( Hồi đó nghe đâu ông Phạm Duy được bên xứ Cờ Hoa cấp kinh phí để biên soạn quyển Folk songs, và cả qua Mỹ biểu diễn nữa, nhằm giới thiệu dân ca 3 miền của VN, ông PD đã chèn vào đây một số tác phẩm của ông ta sáng tác và gọi nó là “ dân ca mới” trong đó có bài “ Nhớ người thương binh” và bài “Gịot mưa trên lá” này..Sau này vào Sài gòn học, tôi có dịp đọc qua quyển này 1 lần ! ) :

“The rain on the leaves is the tears of joy
Of the girl whose boy returns from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears
When the mother hears her son is no more.”

“Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về “

-Đến năm chúng tôi học lớp 11 thì tình hình chiến sự căng thẳng hơn,nhà trường nhận được chỉ thị của cấp trên nên đã bổ sung môn "Quân sự học đường" vào chương trình học của các lớp đệ nhị cấp (Điểm thi cuối năm của môn này được cộng thêm vào điểm thi Tú Tài ) và giao cho Thầy Lê Quý Ánh, Thầy Trần Đình Đăng (pilot) phụ trách các buổi học quân sự này;bọn nam sinh chúng tôi mặc quần áo kaki vàng, đầu đội mũ calo trông cũng ra dáng lắm..!.

Mỗi khi nghỉ 2 giờ học đầu hoặc 2 giờ cuối của buổi học, nhóm chúng tôi gồm : Thắng, Mãnh, Minh, Phú, Tố ..và tôi (thằng Thìn đã đi lính từ năm trước) vào quán cà phê Văn hay Băng đều nghe trong quán vang lên tiếng hát lanh lảnh,cao vút của Thái Thanh với bài “ Kỷ vật cho em” của Phạm Duy phổ nhạc bài thơ “ Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương:

“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
...............................................................
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.
...........................................................
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!
.........................................................
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
..................................................................
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!”

Một nỗi buồn nhè nhẹ len lỏi trong tâm trạng của chúng tôi và có đứa chợt thở dài...Hình ảnh của chúng tôi sau này sẽ như thế ư?!! Sẽ bế tắc và ảm đạm như vậy sao??

*Do thị hiếu âm nhạc của sinh viên và học sinh lúc bấy giờ thiên về nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên và Phương, Vũ Thành An,Ngô Thuỵ Miên...nên bình thường, thật tình thì tôi không mấy thích giọng ca của ông Duy Khánh; tất nhiên công bằng mà nói, cũng có bài nghe được, chẳng hạn như vào dịp hè mà được nghe ông ta hát “ Đưa em vào hạ “ thì cũng không đến nỗi nào! Đêm giao thừa năm tôi học lớp 11,( vì tôi học vừa sát tuổi, nên nếu cuối năm mà thi rớt Tú Tài 1 thì việc đi lính là không thể tránh khỏi..), sau khi tôi dọn dẹp nhà cửa xong và Mẹ tôi cũng đã đơm xong mấy đĩa cơm nếp đặt trên bàn thờ gia tiên, Mẹ tôi bảo tôi rửa tay vào ăn cháy cơm nếp .. Hai Mẹ con tôi đang ăn vui vẻ thì có giọng ca ông Duy Khánh trên đài phát thanh ( Bài “ Xuân này con không về” của Trịnh Lâm Ngân ) :

“................................................
ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào
Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang “
..............................................................

Tôi lặng lẽ đứng dậy ra ngoài hiên để giấu Mẹ tôi giọt nước mắt vừa ứa ra trên khoé mắt ./.

LÊ HOÀNG THUỴ VŨ