.

Có Một Thời Trên Cao

 

Trong những năm tháng xa quê hương, nhiều lần tôi dự định viết về một vùng đất gắn liền với thời mới lớn của mình nhưng vì lý do này hoặc trở ngại kia đã không thực hiện được. Bạn bè thường nhắc nhở với lý do là tôi có trí nhớ tốt (trước kia quả thật như thế còn bây giờ ngược lại). Việc viết lách này tôi trân trọng lắm vì nếu ngày hôm nay con người của tôi có chút gì đáng được xem là “tôi” thì ít nhất trong quãng thời gian mình lớn lên trên vùng đất cao mà những kỷ niệm gắn bó sâu xa trong đó gia đình, bạn bè, người thân chung quanh và ngay cả bối cảnh lịch sử không thể phủ nhận được đã hình thành phần nào cái gọi là “tôi” ấy. Tuy nhiên, bây giờ bắt đầu viết những dòng này thực sự tôi tự bảo đã muộn lắm rồi!  Có những mãng hồi ức gần như trở thành sương khói trong khi đó cùng lứa tuổi tôi có những người bạn đã vĩnh viễn ra đi.  

 

Trong trí nhớ khi hồi tưởng lại vùng đất miền cao mang tên Pleiku mà tôi đặt chân đến năm 1961 là một màn sương mù huyền ảo. Đó là thực tế chứ không phải kiểu nói duy mỹ vì lúc bấy giờ buổi sáng và buổi tối sương mù dày đặc bao trùm khu phố nhỏ chợ mới mà thời tiết lại khắc nghiệt vô cùng. Sáng và tối lạnh cắt da, buổi trưa bụi đỏ mù mịt khi có cơn gió hay chiếc xe chạy qua. Những tháng đầu tiên sống ở Pleiku, kẻ tay, chân tôi bị nứt nẻ chảy máu phải bôi kem mỗi tối trước khi đi ngủ và lúc ấy khu chợ mới còn hoang vu với những mãng rừng cây rãi rác khắp nơi. Chung quanh nhà tôi đầy cỏ dại cao ngập đầu người, ban đêm xen vào tiếng côn trùng rã rích còn có tiếng chim rừng kêu khiến cảnh vật thêm hoang dã thê lương. Tuy thế, tốc độ phát triển thành phố nhỏ này rất nhanh, lúc bấy giờ Pleiku còn gọi là đệ tam quân khu và vì là vùng đất chiến lược nên nhiều đợt người di dân đến lập nghiệp theo nhịp độ hình thành từng bước của bộ tư lệnh quân đoàn hai. Khu chợ mới phát triển khang trang dần và sang năm 1962 nét hoang dã hoàn toàn biến mất. Tôi năm ấy học lớp tiếp liên tại trường nam tiểu học với thầy Hoàng. Thầy người Bắc và lớn tuổi so với các thầy Lộc, Phó, Long .. dạy lớp nhất… Mỗi buổi sáng đến trường tôi đạp xe đạp với tay mặt nắm ghi đông, tay trái thu ra sau lưng vì lạnh dù đã mặc hai lần áo len. Đến trường sớm tôi và đám bạn tranh nhau leo cây trứng cá trồng rất nhiều chung quanh sân để hái trái chín ăn. Lúc bấy giờ phía sau trường mặt đông nam là khu nội trú cho học sinh người Thượng. Đám học trò chúng tôi thình thoảng chơi đùa rượt đuổi nhau sang khu nội trú thường thấy các học sinh người Thượng ăn cơm với trứng vịt luộc. Tôi, Hùng, Trạng, Hảo, Thuận học cùng lớp. Sau kỳ thi đệ thất năm ấy chúng tôi đều lên trung học và học đệ thất tại trường trung học dưới chợ cũ sau lưng dân y viện trên đường đi ra biển hồ và quân đoàn 2 sau này.

 

Ký ức về năm duy nhất của tôi học trường này bây giờ mờ nhạt lắm (năm sau trường dời lên khu chợ mới) chỉ nhớ trường là dãy nhà hình chữ U với khoảng hơn mười lớp học. Nhìn sang bên kia đường là rừng thông trong khuôn viên mênh mông của bệnh viện dân y. Năm ấy tôi học Pháp văn với thầy Tính và cô Vân, thầy Quang dạy toán, cô Cúc dạy Lý hóa, thầy Vinh dạy nhạc và thầy Lập, thầy Duy mới ra trường về dạy Việt văn. Cuối năm học đệ thất trường này tôi quen với Tín và Cường. Có một số bạn bè trong những năm tháng ở Pleiku không được lâu bền vì cha mẹ là quân nhân nên chuyển đổi thường xuyên. Không hiểu với các bạn cùng tuổi cảm nghĩ thế nào chứ với tôi thời gian lớn lên và bắt đầu trưởng thành tại Pleiku đầy nét lãng mạn. Đến cuồi năm đệ tam tôi về Sàigòn học, lúc ấy xa Pleiku mới thấy nhớ và dù Sài gòn đầy những quyến rũ tuổi trẻ, Pleiku luôn cho tôi bao hồi tưởng dịu dàng êm ái mỗi khi nhớ lại. Sau này tôi cho rằng phải chăng những ly hợp ngắn ngủi của những người sống trong một thành phố chiến tranh đã hình thành cái cảm giác mơ hồ lãng đãng ấy? Chiến tranh mang đến nhiều bất trắc cho đời sống thế nên những người sống tại thành phố này dù tham dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc chiến tranh cùng chia xẽ chung một cảm xúc và nó trở thành thói quen hằng ngày không ai hay!  Với tôi Pleiku là thành phố của những dang dở số mệnh do đó không phải là không có lý do nhiều sáng tác văn nghệ hình thành ở đây và dù rất nhiều người làm thơ, viết văn, viết nhạc từ thành phố miền cao này nhưng chỉ khi Vũ hữu Định viết “Còn một chút gì để nhớ” mà Phạm Duy phổ nhạc bài thơ này lúc bấy giờ Pleiku khôi phục hình dáng dân sự đầy nét thơ mộng lãng mạn của nó. Tuy vậy cảm xúc của Vũ hữu Định khi viết “Em Pleiku má đỏ môi hồng …” chỉ là mượn không gian và thời gian cốt nói lên cái bấp bênh và cô đơn của đời lính chiến. Thơ nhạc Kim Tuấn, Cao thoại Châu, Hương Tử, Y Vân, Lâm hảo Dũng, Triều hoa Đại, Nguyễn Phan Thịnh, Lê Phương Châu ,,, cũng không khác.

 

Năm 1964 tôi về học đệ lục tại trường trung học mới trên khu đất cao giáp ranh ấp Thanh An sau này. Trường công lập Pleiku khang trang hai tầng lầu nằm giữa hai trường tư thục Phao Lồ phía trên và Tuyên Đức phía dưới.  Vì là nơi tập trung ba trường lớn của thị xã nên mỗi buổi sáng hay buổi tan trường con đường dốc cao Hoàng Diệu nối dài đầy tà áo trắng của nữ sinh và quần xanh áo trắng của nam sinh. Thời gian này thầy Nguyễn Duy Luật làm hiệu trưởng. Tôi nhớ trong ba năm đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ các thầy cô chuyển đổi thường xuyên và đa số còn rất trẻ. Ấn tượng sâu sắc về những người thầy trẻ điển hình bấy giờ là thầy Lưu văn Nhu dạy Lý hóa, Lâm bá Chí dạy địa lý, Ngô tôn Long dạy Sử. Trông các thầy như những cậu học sinh trung học chỉ khác do thường xuyên mặc complet hoặc sơ mi cà vạt hẳn hoi. Vì chuyển đổi thường nên có khi một môn học trong một niên khóa đến hai ba thầy cô dạy. Sau này có những thầy cô sinh cơ lập nghiệp tại thành phố miền cao này như cô Mỹ, thầy Đàm, thầy Trung, thầy Duy, thầy Lập,  thầy Thành, cô Dương, thầy Phong, thầy Hàn, thầy Vinh... Bởi Pháp Văn là sinh ngữ chính nên tôi không được học với thầy Thành dạy Anh Văn, nhưng thầy được đám học trò nam hâm mộ vì lúc bấy giờ thầy có nét hao hao tổng thống Kennedy. Lên năm đệ tam tôi học Toán với thầy Mai thanh Phong, Lý với thầy Tôn thất Hàn, Pháp văn với thầy Lê tấn Phước (từ năm đệ lục đến đệ tứ, cô Cúc, thầy Viêm dạy Pháp văn, thầy Quang, Khuê dạy toán lý, cô Mỹ dạy hóa, cô Hạnh, thầy Ánh dạy công dân) và dạy nhạc cho đệ nhất cấp bao giờ cũng là thầy Nguyễn văn Vinh. Khi lên đệ nhị cấp, năm tôi học trường chỉ có hai ban A Vạn Vật và B Toán, ai muốn học ban C văn chương phải đi đến những tỉnh lớn. Trường trung học Pleiku đặc biệt có thầy người Mỹ dạy Anh văn là thầy Jim Bigelow, thầy trong đoàn thanh niên chí nguyện Mỹ đến dạy từ năm 1965 và rời Pleiku năm 1968. Lên đệ nhị cấp tôi học thêm sinh ngữ hai là Anh văn với thầy Jim Bigelow. Ấn tượng giờ còn lại với tôi là thầy Jim chụp hình chung với lớp đệ tam ban B của tôi tại biển Hồ và dù thầy Jim rất cao nhưng thầy vẫn thấp hơn Nguyễn quốc Kỳ học sinh cùng lớp. Tôi và Trần mạnh Hùng giã từ Pleiku vào sáng sớm ngày 2 tháng 8 năm 1968  lên chuyến máy bay C130 vào Sài gòn để học. Trên chuyến máy bay nầy thầy Jim Bigelow cũng vào Sài gòn để trở về Mỹ. Đến Sàigòn thầy Jim, Hùng và tôi đi ăn cơm trưa tại một quán cơm bình dân trên ngã tư Bảy Hiền và đến chiều chúng tôi từ giã thầy để về nhà người bà con tại Bàn Cờ. Ngày hôm sau lại hẹn thầy đi ăn cơm trưa tại quán Thanh Bạch. Tôi còn nhớ hôm ấy chúng tôi gọi mỗi người một đĩa cơm Hoa Kỳ. Cơm Hoa Kỳ là cơm chiên với khoai tây và thịt bò. Lúc ăn thấy chúng tôi bỏ dỡ khoai tây, thầy Jim bảo: Người Mỹ có thể bỏ lại thịt bò chứ không ai bỏ khoai tây bao giờ!. Hỏi lý do tại sao, thầy nói khoai tây là món nuôi sống người Mỹ từ lúc lập quốc. Hôm ấy là hôm cuối cùng chúng tôi gặp thầy Jim Bigelow ở VN để rồi 37 năm sau tôi mới gặp lại thầy tại Mỹ trong dịp hội ngộ liên trường Pleiku tại nhà hàng ở Santa Ana-Orange County tháng 9 năm 2005 còn Hùng đã chết vào năm 1976 tại Sài gòn.

 

Như đề cập ở trên tôi được trực tiếp học với các thầy cô vừa kể chứ còn nhiều thầy cô hơn nữa dạy tại trường trung học công lập Pleiku. Trường có cả nam nữ học chung và đến năm 1966 thành phố có thêm trường nữ trung học Pleime. Tên Pleime hình như lúc bầy giờ kỷ niệm chiến thắng Pleime năm 1965 do tướng Vĩnh Lộc lúc làm tư lệnh quân đoàn đặt cùng lúc ra tờ nguyệt san Cao Châu thế nên lúc ấy trên báo chí thường gọi Pleiku là “Cao Châu gió lạnh mưa mùa”. Còn ba trường tư thục đại biểu cho Thiên Chúa giáo và Phật Giáo là Minh Đức, Phao Lồ và Bồ Đề. Riêng trường Tuyên Đức của người Hoa thành lập. Trường Pleime nằm trên đồi cao đường ra biển hồ mặt hướng ra phi trường Cù Hanh, trường Minh Đức nằm trong Khu Nhà Thờ Chính chợ Cũ và Trường Bồ đề nằm trên đường Sư Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa Tỉnh Hội. Sinh họat học đường tương đối đầy đủ và dù ảnh hưởng chiến tranh, thành phố Pleiku vẫn an toàn trong việc học hành của các em học sinh từ mẫu giáo cho đến trung học. Bên cạnh đó còn có sinh họat hướng đạo hay sinh họat tôn giáo như Thanh Sinh Công , Gia đình Phật tử. Pleiku là vùng đồi núi nên rất tốt cho việc cắm trại hay du ngoạn, nói chung là những sinh họat ngoài trời. Tôi không bao giờ quên những đêm lửa trại của trường hay của đoàn hướng đạo. Nếu không có chiến tranh, Pleiku có thể nói là thành phố lý tưởng cho sinh họat học đường. Và là một thành phố nhỏ nên tình cảm thầy trò gần gủi khắng khít. Đây cũng là lý do mà dù mấy mươi năm sau, qua bao chuyện vật đổi sao dời tình thầy trò của những người có một thời sống ở đó vẫn luôn sâu đậm.

 

Nếu có kể đến thầy cô ở Pleiku tôi cũng không thể không nhắc đến tình bạn. Cuộc đời với tôi là cuộc đi rong. Trên dặm đường đời rong đuổi này vô số những địa phương và con người liên hệ trực tiếp với mình. Địa phương là tình đất nói rộng ra là tình quê hương còn con người là tình yêu và tình bạn. Nhưng tình yêu, tình bạn như Trịnh công Sơn viết “Bạn bè rồi xa, người tình rồi quên” thì phải biết ông ta đánh giá cao tình bạn như thế nào! Tôi cũng đồng ý như thế, tình yêu không thể chia xẽ được nên mất là hết, nhưng tình bạn ngược lại vẫn còn mãi. Ngày hôm nay bạn bè Pleiku của tôi ngay cả những người đã mất, tôi không quên một ai. Một Phan quốc Cường tận bên trời Đức quốc  vẫn làm tôi bật cười khi nhớ lại những ngày hè đệ lục tranh nhau hái trái mề gà chín vàng trên vạt rừng sau lưng Tòa Án mới trên đường Lý thái Tổ. Một Trần quang Thành khóc mếu máo khi bị thầy Luật hiệu trưởng phạt cột tay bằng giây thừng vì kết oan tội hút thuốc lá bởi trời buổi sáng Pleiku lạnh ai cũng thở ra khói lúc xếp hàng chào cờ trước khi vào lớp. Rồi Hồ Tín, Trần mạnh Hùng và tôi với những đêm không ngủ làm báo xuân Liên trường dịp Tết Mậu Thân. Những Phạm tự Cường, Lê đình Quang, Nguyễn văn Thi, Nguyễn đ. Tri Tân, Liêu quí Hiển,  Trần văn Phúc, Tôn thất Đông Hải, Triệu xuân Quang v..v..và v..v… chia xẽ bao vui buồn những ngày tuổi trẻ Pleiku-Sàigòn… và còn vô số bằng hữu văn nghệ và không văn nghệ tí nào của tôi gắn liền một thời trên vùng cao châu gió lạnh mưa mùa ấy. Hôm nay viết những dòng này, tôi tự động nối dài vùng đất nhỏ bé của một quê hương xa xăm Pleiku sang đến Hoa kỳ và những nơi khác trên thế giới để mọi người có dịp thấy lại bóng mình trong khung trời cũ.

 

Khi nói đến Pleiku, tôi vẫn thường bâng khuâng về một thời thơ dại ở đó. Tình yêu lúc bấy giờ tuy mơ hồ nhưng đủ cho tôi cảm giác say say khi nhớ lại. Có thể tôi đa cảm quá chăng nhưng không gian ấy với những bước chân ngày mới lớn trải dài theo con đường Quang Trung từ chợ cũ lên dốc đi qua phía trước hoặc Yersin phía sau lưng  câu lạc bộ Phượng hoàng để đến đầu đường Hai Bà Trưng rồi đi ngang qua Biệt điện dưới hàng thông già mát lạnh. Suốt năm đệ thất tôi đi lại trên con đường ấy với những người bạn mà hôm nay có kẻ đã khuất bóng nhưng với tôi không gian ấy là bóng mát thời thơ ấu, nhắc nhở một chặng đời hạnh phúc của mình. Qua khỏi biệt điện đến khu dinh điền với những dãy nhà mái tôn hình tròn úp xuống đãt và trước khu nhà có những trụ bơm dầu xăng ICA cho xe quân đội. Trong khu dinh điền này đến năm 1965 có quán cà phê nổi tiếng mang tên cả phê Dinh Điền và giới văn nghệ thường gọi là cà phê Thoại vì có cô Thoại em chồng của bà chủ quán. Cô Thoại trắng trẻo đẹp gái sau này lấy chồng là một cán bộ xây dựng nông thôn. Tôi bắt đầu vào quán ấy tập tành uống café từ cuối năm học đệ ngũ và nghe tình ca Trịnh Công Sơn. Cà phê dinh điền của vợ chồng ông Kỳ pha rất ngon. Ly café phin đen sánh thơm nồng uống buổi sáng hay chiều tối trong cái rét lạnh bốn mùa của Pleiku thú vị biết bao! Tôi nhớ mãi những buổi chiều ngồi trên ghế thấp của quán nhấm nháp café nhìn sang rừng thông mênh mông biệt điện nghe đĩa  45 tour  do Lệ Thu và Khánh Ly hát “Tuổi đá buồn” “Diễm Xưa” “Biển nhớ” “Còn Tuổi Nào Cho Em” “Nhìn Những Mùa Thu Đi” và chìm đắm trong nổi buồn ngây ngất của tuổi mới lớn. Café Dinh Điền tuy lụp xụp nhưng lúc nào cũng đông khách. Tôi nghĩ ngày hôm nay nhắc đến Pleiku không ai không nhớ đến quán café kỷ niệm này.

 

Như Vũ hữu Định viết: “Phố xá không xa nên phố tình thân…” khi so sánh với các thị xã tỉnh lỵ khác, phố xá Pleiku nhỏ như bàn tay thế nên “…Đi dăm phút đã về chốn cũ…” mà tôi vẫn thường lang thang trển con đường Hoàng Diệu từ chợ mới xuống chợ cũ qua đường Trịnh minh Thế trước Bưu Điện và đi qua khỏi ty công chánh đầy cây cao su vào thu lá vàng sậm màu thơ mộng biết bao nhiêu! Con đường ấy dẫn tôi đi ra khỏi thành phố và đến Dân Y viện có con đường rẽ trái lên cao rồi xuống thấp là một vạt rừng thông theo triền thung lũng, thấp thoáng các mái nhà ngói đỏ của khu Cư xá sĩ quan Trần quí Cáp. Vào mùa mưa đứng trên đồi cao nhìn xuống một màu trắng xóa đất trời để rồi ý niệm cô đơn lưu đày của những người xa xứ hình thành đậm nét. Từ nơi này mới có bài thơ năm chữ cũa anh Kim Tuấn:

 

“…Rặng thông già lặng câm

Em yêu gì xa vắng

Cho trời mây ướp buồn

Từng bước từng bước thầm

 mưa giữa mùa tháng năm

tay đan sầu kỷ niệm

gió rét về lạnh căm

từng bước chân âm thầm…”

 

và suốt năm tháng thời mới lớn của tôi tại đây là những cuộc đi rong buổi sáng buổi chiều không mõi với  bước chân âm thầm trên các con đường mòn nhẵn trí nhớ Pleiku.  Bài thơ trên được Y Vân phổ thành bài “Những bước chân âm thầm” khá nổi tiếng. Nếu thành phố này gắn liền với chiến tranh tự nó cũng gắn liền với nhiều sáng tác văn nghệ và những người làm văn nghệ đa số  là những quân nhân đồn trú ở nơi này như Vũ hữu Định, Triều hoa Đại, Lâm hảo Dũng, Hương Tử ...v..v... Pleiku cũng là thành phố của những quán café. Mỗi lần về nhà dịp nghĩ hè hoặc tết lại thấy thêm nhiều quán café mới. Giải trí đối với tôi lúc bấy giờ là cùng bạn bè cũ đi uống café, la cà hết quán này đến quán khác. Tôi còn nhớ quán café Tay Trái trước sân nhà thờ quân đội Chợ mới, quán Văn, Băng, Thiên Lý và vô số những quán khác ở khu chợ cũ. Đến năm 1970, Pleiku bắt đầu có vũ trường và quán rượu phục vụ đa số quân nhân. Trước đó có câu lạc bộ Phượng Hoàng nhưng hình như nơi này chỉ phục vụ cho sĩ quan cao cấp.

 

Pleiku còn có thắng cảnh biển hồ phía đông bắc thị xã trên đường đi KonTum. Cấu trúc địa chất có thể là miệng núi lữa thời xa xưa và bây giờ là một hồ lớn. Mênh mông nước, chu vi hồ có thể lên đến cả chục kilomét. Nơi này thu hút người dân cũng như quân nhân mang gia đình du ngoạn cuối tuần. Đám học sinh trung học cũng thường có những buổi cắm trại hoặc du ngọan ở đây. Suốt những năm trung học, vào mùa hè tôi và bạn bè thường ra biển hồ để tắm hay thám hiểm đám rừng cây chung quanh hồ. Về phía đông trên quốc lộ 19 có hai xã Phú Thọ, An Mỹ  cách thị xã khoảng 12 cây số cũng rất thơ mộng vì nơi này tuy là vùng quê nhưng mang đủ cả hai đặc tính vừa đồng bằng vừa cao nguyên. Tôi đi hướng đạo ngành thiếu lúc bấy giờ và thường có những chuyến viễn thám Phú Thọ hoặc An Mỹ. Về phía đông nam có quốc lộ 14 đi Ban mê Thuộc (còn gọi là quốc lộ 19 kép). Đi hướng này chúng ta sẽ đến núi Hàm Rồng và đi ngang giáo xứ La Sơn có hồ Gia Băng nơi lý tưởng đi săn vịt trời. Xa hơn nữa các bạn sẽ đến quận Lệ Thanh và đồn điền trà CateKa nổi tiếng từ thời Pháp.

 

Viết bài tùy bút này đại để Pleiku trong trí nhớ của tôi có thế. Một Pleiku vừa buồn bã cay đắng bởi đạn bom vừa ngọt ngào êm đềm trong tình thầy trò bè bạn và tôi thực sự không nhớ được rõ ràng hoặc chính xác những thông tin về nó thế nên các bạn thấy có sự sai sót nào hãy tha lỗi cho tôi. Tôi viết mục đích để gợi lại cho chính mình hay bạn bè một tình cảm mà ai ai cũng có nhưng có thể tùy mỗi người cất nó ở nơi nào đó trong ngăn tủ ký ức của mình. Chúng ta ngày hôm nay, tôi nhấn mạnh nơi những người xa quê hương như luôn luôn cảm thấy mình đánh mất một cái gì đó và muốn tìm thấy lại. Những ngày tháng sống ở Pleiku là một trong những thứ dường như bị đánh mất ấy vì trong chúng ta ai không khỏi có giây phút cảm giác mình mất mát quê hương. Quê hương là phần đời, phần thân thể của mình. Đời vẫn trôi, thân thể vẫn còn đó nhưng quê hương sao xa xăm vô cùng! Bây giờ quê hương trong mỗi chúng ta là những mãnh đời khô cằn lưu lạc và chỉ có thể cảm nhận rõ rệt từ tương quan với bạn bè hoặc người thân chung quanh. Mong rằng bài viết này dù không không đầy đủ cũng có thể cho chúng ta chút niềm vui, niềm an ủi khi nhớ về một vùng trời xa xăm dường như đã mất tự bao giờ.

 

3/2008

Lê tấn Hà