MÙA ĐÔNG & NỖI NHỚ


  Cô Vũ thị Bích        



Christmas thường đến với Seattle vào mùa đông lạnh giá, có khi tuyết đến sớm, có khi tuyết đến muộn, nhưng tuyết luôn tô điểm cho thiên nhiên vào mùa Christmas mỗi năm. Khi tuyết bắt đầu rơi, lúc nào cũng đẹp. Từng cụm tuyết bay bay thành những tia tuyết trắng, đâm thẳng vào kính xe như những chùm pháo bông đầu năm. Trên từng ngọn cây, đầu cành, tuyết tụ lại như những chùm tóc trắng chấm phá trên nền xanh ngát của cỏ cây. Nếu đi xa thành phố một tí, có những khu nhà chìm trong biển tuyết, lấp lánh ánh đèn hắt ra từ mọi căn nhà. Đẹp, thật đẹp trong cái mông mênh của không gian. Tất cả đều trắng ngần như trong những tấm thiệp chúc Noel của Pháp ngày xưa.

Nếu chúng ta ở trong nhà, khi tuyết bắt đầu rơi, thì cảm giác thích thú càng lên cao trong cái ấm cúng ấy. Tuyết rơi theo cấp số nhân. Mới đầu chỉ thấp thoáng bay, chỉ vài giờ sau tuyết đã chiếm trọn không gian với màu trắng ngần của mình. Tuyết rơi lặng lẽ, tuyết bay từng cụm nghiêng ngã, tuyết trĩu nặng trên cành cây nhỏ, gây nên những tiếng răng rắc. Người ta như để tâm hồn bay theo tuyết trắng. Khi tuyết đã phủ đầy mặt đất, trẻ con thường chạy lại để gom tuyết lại để làm người tuyết ( snow man ). Người tuyết cứ đứng đó, nhìn tuyết tan trên mặt đường thành giòng, hay nhỏ xuống những giọt nước thánh thót từ má nhà hay những cành cây.

Những ngày đầu tuyết rơi, đẹp lắm, cái đẹp tinh khôi của tuyết trắng, rực rỡ và sáng lạn, khiến tâm hồn người ta như trẻ lại. Tuyết trắng nhưng tuyết không lạnh như gió bão ngày mưa. Chỉ đến khi tuyết đã đóng băng, thì mới khốn khó cho những ai phải ra đường làm việc! Tuyết không còn là cô bé thơ ngây trong trắng với bao reo vui nữa, mà trở thành một bà già đen đủi, khó tính và mang lại nhiều tai hoạ!

Trong mùa đông giá lạnh như thế, Christmas đã đến. Để chống lại với cái lạnh bên ngoài, quanh cây thông rực rỡ với những bóng đèn bé tí, nhấp nháy reo vui, với bao gói quà lớn nhỏ, đủ màu sắc, đã làm cho những căn nhà ấm hẵn lại. Những bản nhạc ca tụng cái huyền diệu, cái hân hoan của ngày Chúa sinh ra đời, như vang vang khắp nơi. Trẻ em nao nức chờ đợi ông già Noel, với bao ước mơ về món quà sẽ đến vào buổi sáng sau Christmas Eve.

Cả tháng đông ấy, mọi người hân hoan. Nhất là ở xứ này, với hai tuần lễ nằm trong nệm ấm, thì thật thú vị biết bao! Đây là khoảng thời gian đáng yêu nhất trong suốt năm học.

Mùa đông ở Paris năm ngoái cũng lạnh lắm. Đèn trang hoàng trên các con đường lớn rực rỡ, cũng không đủ khoả lấp cái lạnh len dần vào cơ thể. Đứng trên đỉnh đồi Montmartre, từ Sacre Cœur nhìn xuống. Paris đẹp như một vũ trụ với sao sáng muôn màu. Dù trời rất lạnh, vẫn tấp nập người lên xuống. Đứng bên này ngọn đồi, vẫn thấy tháp Eiffel rực sáng. Tuyết vẫn rơi từng hạt nhỏ, và người người vẫn đi dạo đó đây. Cái roller coaster vẫn quay trong ánh đèn rực rỡ muôn màu, với tiếng reo vui của trẻ thơ. Vườn Luxembourg thì vắng vẻ, không gian trống trải, chỉ có những bức tường xám lặng lẽ đững nhìn cái tĩnh lặng của không gian. Có khởi sắc chăng là những copy của những bức hoạ hay những tác phẩm của những nhà nhiếp ảnh tài ba, treo trên từng khung của bức tường rào chung quanh vườn Luxembourg mà thôi. Du khách vẫn đông đúc trên các con tàu của công ty “Bateaux-mouches” chạy chậm chậm trên dòng sông Seine nhỏ bé, ngang qua các vùng danh lam thắng cảnh, như Trocadero, tour Eiffel, Grand Palais, Hotel des Invalides, Concorde, Musee d’Orsay, Musee de Louvre, Institude de France, Hotel de Ville, Notre Dame, Bercy và La Grand Bibliothèque.

Cái lạnh của xứ người khiến tôi nhớ về Pleiku nhỏ bé ngày xưa. Pleiku của tôi cũng lạnh lắm. Lạnh và mưa. Pleiku với những con đường đất đỏ lầy lội. Mỗi khi một xe lớn chạy qua, nước vung bắn tung toé lên người, lạnh giá. Dù đã mặc áo khoác, nhưng giọt mưa vẫn chui vào cổ áo, ngấm lạnh gáy khiến tôi rùng phải mình xuýt xoa .

Để bù lại, Pleiku có rất nhiều quán cà phê nhỏ và ấm cúng. Nhiều quán ăn với những tô bún nóng hổi, những tô phở bốc khói, những mối tình nóng bỏng của người lính trẻ và những cô gái còn rất ngây thơ. Trong bối cảnh chiến tranh, mọi người trân trọng từng tình cảm đến với mình và trao đi cho người. Vì thế mà tình nghĩa ở Pleiku thắm thiết hơn, chân thật hơn và tồn tại lâu hơn.

Có những lúc tan trường, nắng đã tắt, khí lạnh từ đâu ùa về, khiến hai hàm răng run lập cập, bụng thót lại vì lạnh, tôi thầm hát nhỏ :

“Đồng bào ơi, ôm lấy tôi
Đến khi nào tôi hết rét thì thôi”

Nhưng chỉ là những thì thầm ước muốn, nên vẫn chỉ có mình tôi run rẫy trên con đường lầy lội với lạnh giá !

Những buổi sáng phải bò ra khỏi chăm ấm, nệm êm, sao ngại ngùng đến thế! Nhưng cũng phải dậy thôi. “Nếu mình đến trể, học sinh sẽ biểu tình quanh trường quá!” Thật vậy, lớp nào vắng giáo sư, học trò mừng lắm, các em sẽ chạy dọc hành lang, la hét, nếu như Hiệu trưởng hay cha Giám đốc không lấp ló từ xa.

Học trò muôn đời và ở đâu cũng thế, được nghỉ học bất ngờ là một ân sủng của Thượng đế. Biết bao thú vui hân hoan với món quà chợt đến ấy. Vì thế, khi thấy tôi xuất hiện trể, các khuôn mặt tiu ngiủ, không làm tôi buồn lòng mà lặng lẽ mỉm cười cảm thông. Vì ngày xưa, khi còn học Đại Học ở Huế, các thầy từ Sài gòn đi máy bay ra dạy. Quá giờ mà chưa thấy thầy, chúng tôi bảo nhau chạy mau, trốn khỏi giảng đường. Thường thì chúng tôi nấp trên “Cầu Giao Duyên” giữa Đại Học Khoa Học với Đại Học Văn Khoa. Nhìn thấy thầy ngơ ngác trước giảng đường trống không, rồi lặng lẽ xách cặp ra khỏi cổng trường, đe đón xe ra phi trường Phú Bài. Chúng tôi vội vã quên đi chút ái ngại chợt đến, và ùa ra khỏi chỗ nấp, lao xao lấy xe ra khỏi bãi, và bay đi khắp nơi mà lòng xôn xao rạng rỡ !

Tuổi học trò biết bao nhiêu là kỷ niệm! Thời gian của cấp hai, và nhất là cấp ba, luôn luôn là quảng đời nhiều rung động nhất. Đáng nhớ nhất của mỗi người. Tôi đến với Pleiku không còn là cô bé tuổi học trò, mà là một cô giáo trẻ. Bao ước mơ tưởng như sẽ thực hiện, một tập thể thầy trò thân ái, và tôi sẽ hoạt động hăng hái như ngày xưa còn bé, ở Hà Nội các anh Hướng Đạo Sinh vào trường và giảng dạy cho chúng tôi mỗi giờ ra chơi ở Quốc Tử Giám. Tôi muốn được như các anh. Đến với các em với tất cả tấm lòng muốn trao lại kiến thức của mình và tạo cho các em một khí thế mới, một niềm tin vững chắc vào Chân Thiện Mỹ của cuộc đời, để mạnh bước vào tương lai.

Không biết tôi đã làm được bao nhiêu, nhưng tôi đã rất hạnh phúc trong tình thân ái của học trò, của bạn bè, và của môi trường chung quanh chúng tôi nữa.

Pleiku ơi, giờ xa Pleiku ngàn trùng, tôi vẫn nhớ. Nhớ những cô bé mặt hồng lên vì lạnh, nhớ các cậu học trò tinh nghịch mà dễ thương. Nhớ gió bụi, mưa bùn, và những con đường đất đỏ lầy lội. Nhớ những đêm gió hú qua khe cửa. Nhớ những ngọn đồi cao thấp. Nhớ Biển hồ nước trong xanh và tĩnh lặng. Nhớ Sở Trà bát ngát từng khung, từng vùng, đậm nhạt chen nhau. Nhớ những quán café ấm áp. Nhớ những quán ăn với những tên gọi khác thường. Nhớ những khuôn mặt rạng rỡ của những kẻ yêu nhau trước cổng trường giờ tan học. Nhớ những đêm ca nhạc ở Hội Trường Thăng Long vào dịp Tết đến hay lúc sắp nghỉ hè, với tiếng hát của em Ksor H’Da cao vút, nồng ấm, hơn cả ca sĩ Thái Thanh. Nhớ những chuyện tình gây sóng gió đã rộn rã Pleiku một thủa nào. Nhớ những đêm vui chơi ở nhà tôi, và những tối đưa Lê Mỹ Dung về nhà. Tôi thường bắt chồng tôi pha đèn thật sáng, đợi Dung về nhà yên ổn, chạy ra báo cáo, “Về đi, không có sao đâu!”, thì chúng tôi mới yên tâm. Giờ đây tất cả đã xa vời. Tôi ước ao những cô bé học trò, những cậu học sinh khả ái, tất cả đều có một cuộc sống êm đềm, với đàn con hỏ và tương lai tốt đẹp đang chờ đón các cháu. Tôi cầu mong tất cả các bạn tôi, sẽ có những ngày nhìn lại cuộc đời mình với một nụ cười thanh thản. Riêng tôi, Pleiku giá lạnh mà ấm nồng mãi mãi trong tôi.


Cô Vũ thị Bích
Seattle-WA, 2006