TÔI VỚI PLEIKU


  Cô Vũ Thị Bích        




Có những buổi sáng sương mù dày đặc như mây trắng. Mặc khí lạnh phả vào mặt, tôi vẫn khoanh tay đứng nhìn từng đứa học trò hiện ra từ trong đám mây trắng ấy. Dù lạnh thật lạnh, tiếng reo vui vẫn vang lên từ mọi góc cạnh của ngôi truòng Phao lô, chơ vơ giữa một khoảng trống của thành Phố Pleiku.

Tôi yêu tiếng reo vui của các cô học trò bé bỏng ấy. Dù đâu đó có những bóng áo đen chợt ẩn chợt hiện ; các em vẫn hồn nhiên, ngây thơ sống trọn với tuổi thơ của mình. Có những buổi tan trường, thả bo đi theo đám học trò trên con đường ngoằn ngoeo đất đỏ, từ trường Trung hoc Pleiku dẫn xuống đường Hùng Vương. Các em ríu rít chuyện trò, những cô học trò má đỏ, những cậu học sinh cao thật cao nhưng chưa có bề ngang. Cũng có những ưu tư trong ánh mắt, làm sao không có được ở những học sinh sắp bước sang một môi trường mới, Đại Học hay Quân Trường, nhất là trong thời buổi chiến tranh của đất nước.

Tôi muốn chia sẻ với học trò của tôi, từ những buổi cắm trại trên mãnh đất rộng sau trường, đến những đêm Đại Nhạc Hội, những ngày ca hát khi Tết đến hay những khi hè tới, những lần viến thăm cá nhân các học sinh của mình. Tất cả đều mang laij sự gần gũi, thân quen. Hồi đó tôi còn trẻ lắm, còn bao nhiêu ước mơ, còn nhiều điều muốn trao cho đời. Tâm hồn tôi mở rộng và đón mời. Tôi yêu đời, tôi yêu nghề, và tôi yêu học trò của tôi.

Minh đức nằm giữa phố chợ, vưà xuống xe là đã thấy học trò đang dàn hàng trước cổng trường. Các em thật tươi vui, đầy sức sống, và chắc cũng đầy ước mơ. Tôi dạy ở Minh đức từ khi trường là những ngôi nhà thấp bé, nằm trong khuôn viên của Nhà Thờ, với sự giám sát chặt chẽ của Cha Thức; cho đến khi trường được đưa qua bên kia đường Lê Lợi với ba tầng nhà màu vàng, khang trang và tươi mát. Từ trên lan can của tầng ba, chúng ta có thể thấy những ngôi nhà thấp thoáng dưới thung lũng.
Tôi đã cùng với Cha Oanh và các bạn, đi đưa và đi đón học trò vừa tan khỏi trường thi. Những dặn dò, những lời chúc, và những vẽ mặt lo âu hay hớn hở. Kết thúc những ngày thi cữ vất vẻ, chúng tôi kéo thành một đoàn theo cha Oanh đi ăn, cha bảo là để bồi đưỡng các em. Dù trong năm học, cha thường lái xe, tay cầm cây gậy, đi lùng các em trong quán cà phê, rạp xi nê hay quán bi-da; nhưng các em đều hiểu là cha làm như thế vì muốn các em không xao lãng học hành. Cha thật xứng đáng là một hiệu trưởng gương mẫu ! Trong dịp họp Thầy trò Minh Đức hè 2005, ở Dallas, Texas, tôi có góp hai câu thơ, để kết thúc về một bài thơ tập thể về Minh Đức như sau:

Xa xa bóng dáng người cầm gậy,
“ mau chạy bay ơi !” kẻo bị đòn !

Minh đức đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Tôi còn nghe đâu đây tiếng hát của em Đông, tiếng máy ronêo quay bài của thầy Mai Văn Doanh đang hì hục và ướt đẫm cả cái áo thun 3 lỗ, những buổi học trò đánh lộn ở sân vận động gần trường, những buổi liên hoan với các lần phạt rượu thầy Lê Văn Sâm của cha Nguyễn Viết Nam, với cô Thanh Bình mắt tím ở văn phòng, với bác Cẩm già nua mà nhân hậu, luôn móm mém với cặp kính cận thật dày ở phòng thu ngân. Đặc biệt là những chai rượu lễ, cha Thức bảo là rượu ấy làm từ La Mã, cha cho tôi mỗi lần tôi sinh cháu bé.

Tôi cũng không thể quên được những buổi dạy ở trường Phú Thọ. Những buổi đi xe lam xuống xứ đạo ấy. Học trò thật chân phương, đơn giản. Tôi yêu cái ngây thơ đôn hậu ấy. Cha Nguyễn Viết Nam đã coi chúng tôi như con cháu. Những trái mãng cầu để trên dĩa dành cho cô giáo. Hình như chỉ có cô giáo, tôi không gặp ở đó một ông bạn đồng nghiệp nào cả ! Và thú thật tôi ăn trái cây “hái trộm” từ đêm trước. Cô em bé nhỏ ở nội trú, dạy môn Pháp văn, có một đêm đã theo học trò đi hái trộm trái cây. Chắc là thích thú và hồi hộp lắm! Tôi thực lòng cũng muốn được tham dự một lần. Cha Hiệu trưởng hoàn toàn không hay biết. Rồi đến một hôm, cha vội vã và thì thào thông báo “ Các cô về ngay đi, họ sắp tấn công vào đây rồi”, “Làm sao bây giờ, Cha đi không ?”, “Không, cha phải ở lại với gíao dân”,”Vậy nếu cha còn sống sót đến ngày mai, cha lên phố gặp con nhé”. Ngay sáng hôm sau, xe Jeep của Cha đổ trước nhà của tôi. Tôi mừng rỡ chạy ra, và đã hái một đáo hồng trong vườn tặng cha. Giờ thì cha không còn nữa, tôi vẫn nhớ vóc dáng cao gầy và năng động của cha.

Trừ trường Phú Thọ ở quá xa xôi, trước cổng trường nào xe jeep cũng đậu thành một hàng dài, nhất là hai trường Phao Lô và Pleime, hai trường nữ trung học của xứ Pleiku! Các anh hùng của thời đại đã cướp đi nhiều cô gái xinh đẹp và làm tan nát nhiều trái tim những cậu học trò non dại !

Rồi những buổi camping ở Biển Hồ và Sở Trà với biết bao thú vị ! Biển Hồ xanh ngát, phản chiếu màu xanh của cây cỏ cùng với màu xanh của một mảng trời. Biển Hồ thanh vắng với tiến chim hót thánh thót và gió ru nhè nhẹ. Biển Hồ với tép tươi và chanh ớt. Biển Hồ với các cuộc hẹn hò, các cuộc chơi cút bắt, cút bắt thật và “cút bắt trò chơi”. Sở Trà bát ngát với lòng hiếu khách của Giám Đốc Sở Trà, với bánh tét 3 màu khoanh tròn quanh nhân mỡ trong, với những trái cây của người dân mộc mạc của đồn điền. Tất cả đều thân ái và đã để lại trong tâm trí tôi bao nỗi thân thương. Đứng giữa Sở Trà để thấy từng dẫy ngút ngàn, những màu xanh đậm nhạt chen nhau, chia không gian thành từng mãng. Không gian im ắng, chỉ có tiếng chim hót. Tôi đã có những giây phút thật thanh thản, được trải lòng mình với không gian bát ngát, không một chút bụi bặm của trần gian !

Có những buổi tối đi uống cà phê, lần nào ông chủ quán cũng đem đến bàn chúng tôi một dĩa đầy hoa ngọc lan, trắng nuột nà và thơm dìu dịu. Chúng tôi đi cả đan và thật sự đã “ăn cắp” những cái đĩa xinh xinh, và cười sung sướng khi ra đêns xe ! Tôi thì không làm chuyện đó, nhưng cũng cười vui khi các em khoe thành tích của mình. Phạm tội một cách ngây thơ! Sau đó, có lần tôi đã nói với ông chủ quán “anh có biết là chúng tôi đã ăn cắp những cái đĩa xinh xinh đó không ?”Ong chủ quán mĩm cười “Tôi biết nhưng tôi để các cậu ấy được vui” Thật là một ông chủ quán dễ thương, và chỉ có ở Pleiku mà thôi !

Có những lần đi ăn Bún Bò Nhà Xác với học trò, cả một dãy bàn dài, chúng tôi ăn uống nói cười vui vẻ. Vui nhất là lần bà Hồ Thị Thơm đãi chúng tôi, bà “nguyên ứng cử viên dân biểu hạ viện”, bà thường nói như thế, và dù gì đi nữa, tôi vẫn thấy bà rất khả ái. Lần ấy các em đi hát ở tiền đồn về .

Pleiku đã thật ân cần với tôi. Có những lần đến giờ cho con bú, sữa nóng chảy trong áo lạnh, học trò đã vội vã chở tôi về nhà. Tôi làm sao quên được Đinh Đồng Bảo, Khắc Hà,…Thật ra các em còn là bạn thân của các em tôi. Tôi không sử dụng quân xa của chồng, nên tôi thường “chạy” giữa khoảng đổi trường. Có một lần Đinh Đồng Bảo chở tôi, từ trường Minh Đức đến trường Trung Học Pleiku, lúc ấy tôi đang mang thai cháu thứ ba, sắp đến ngày sinh. Vội vã tránh một xe hơi, xe nghiêng ngữa, hai thầy trò ngã lăn ra đường, hai móng chân tôi bật ra, máu chảy dài. Chúng tôi lồm cồm bò dậy, may sao cháu bé bình an! Tình bạn ở Pleiku cũng đậm đà, làm tôi quyến luyến. Đã có lần ông bác lo cho chồng tôi về Saigòn, tôi đã vội vã bay về năn nỉ, hãy để chồng tôi ở lại xứ đất đỏ thân yêu ấy, là cụ sững sốt phân bua với bạn bè, “Các ông thấy có lạ không, người ta chạy về, cháu tôi van xin ở lại…”Tôi ở Pleiku và cảm thấy như gần gũi gia đình. Con tôi đau, đã có Bác sĩ Bùi Trọng Căn lo, anh lúc nào cũng trấn an một cách lạc quan, “ cháu không sao đâu, rồi sẽ qua khỏi thôi” và không bao giờ anh cho con tôi uống thuốc trụ sinh. Thuốc thang thì có Dược Sĩ Hàm cung cấp, anh ấy là chồng cô Tính, dạy Anh văn ở Minh Đức. Muốn về thăm nhà đã có Quân Vận Khu thu xếp chuyến bay. Tôi không hiểu như thế có lạm dụng ai không, nhưng thật tình Pleiku đã ưu ái tôi như vậy.

Chung quanh tôi tràn ngập tình thương, trong gia đình, ở trường học và ngoài xxã hội. Tôi đã thật hạnh phúc trong mười năm sống với Pleiku. Cho đến sau này, khi mọi sự đã đổi thay, tôi vẫn gắn bó với Pleiku. Và buổi họp mặt thầy trò Pleiku lần đầu tiên ở nhà tôi, và sau đó ở nhà em Huỳnh Kim Mãnh, đã bắt đầu cho các lần họp mặt chính thức hàng năm sau này.

Tôi vẫn luôn gởi lời chúc mừng Đại Hội, nhân các ngày họp mặt của thầy trò Pleiku, và những cuốn vidéo họp mặt hàng năm, đã cho tôi “gặp lại” những gương mặt thân quen của ngày xưa thân ái.

Tôi về Việt nam hàng năm, vì là cô giáo, tôi có gần 3 tháng hè. Các em thường tổ chức họp mặt, cho tôi được gặp lại bạn bè và học trò của mình. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại hát hò và tâm sưn với nhau. Tình thân vì thế, chỉ càng đậm đà hơn, chứ không phai nhạt theo thời gian. Tôi cũng đã đi Dallas, Texas, để họp mặt thầy trò Minh Đức, do anh Mai văn Doanh và em Liên Hương tổ chức, nhân dịp Cha Hoàng Đức Oanh qua tái khám, hè 2005. Oi thật là vui Gặp lại nhau mừng rỡ và thân ái. Chúng tôi đã kẻ chuyện ngày xưa, và cũng nhân đó hành hạ vết thương lòng của bạn bè, một cách không nhân nhượng. Ba ngày vui qua mau, tôi từ giã Dallas nóng bỏng với nhiều nuối tiếc. Chia tay nhau rồi, chúng tôi có nhiều bài viết về buổi sum họp ấy. Tôi thích nhất bài thơ của cháu Liên Tâm, con gái của Thanh Bình mắt tím ngày xưa. Trong đó có hai câu mà tôi rất thích :

Dưới mắt thầy, dấu chân chim mỏi !
Hồn nhiên, học trò mây trắng bay !

Rồi những lần qua Paris, với đón tiếp nồng nàn của học trò Phao lô và Minh Đức ngày xưa. Các em đã cho tôi cái ấm áp giữa cái lạnh lẽo của Paris vào những ngày đầu của tháng Hai. Thanh Tùng, Thanh Phương, Thanh Phượng, Dũng, Tuấn, Đang, Phước,…và gia đình đã rất ân cần, chu đáo và đậm đà. Tôi không bao giờ quên được tình cảm ấy của các em. Đêm Giao thừa bước qua năm 2006, tôi đã đón réveillon với các em trong một nhà hàng. Tiếng nhạc rộn rã, ánh đèn muôn màu, các cặp chân quay cuồng trên “piste”, chợt bùng lên khi pháo giao thừa bắt đầu nổ. Các em chạy đến, ôm tôi và hôn nhẹ lên má, chúc tụng “ Bonne Année!” Tôi cảm thấy hạnh phúc gần gũi và gần gũi các em làm sao!

Gần đây nhất , là buổi họp Liên Trường Pleiku ở Cali do em Nguyễn Thị Hường tổ chức vào ngày 2 tháng 7 vừa qua, cũng đã để lại trong tôi nhiều lưu luyến, có cái gì trong thật trang trọng ở đây. Ban Tổ chức rất chu đáo. Và tôi thật ngạc nhiên, khi các em đã “tìm” được rất nhiều thầy cô và bạn bè, dù đang sinh sống ở một nơi rất xa xôi và đã giã từ Pleiku từ lâu lắm. Tôi vui mừng gặp lại anh Trần Đình Thành, Chị Nghĩa Chân, Anh Phan Ngọc Bình, chị Bùi Mỹ Dương, vợ chồng anh Quách Cư và các em Tính, Nhật, Tin, Thuý Ai, Hồng, Bình, Bạch Lan, Nam…Tất cả đã chút it đổi thay, chính tôi cũng có nhiều thay đổi, những vết nhăn của thời gian! Nhưng tất cả đều vui cười , rạng rỡ! Ai cũng nhắc đến Pleiku. Pleiku lạnh lẽo đã đến với Cali nóng bỏng, đã làm giảm đi cái oi bức của mùa hè để tưới mát những tâm hồn đang dần cằn cỗi với thời gian và với cuộc sống vội vã, vô tình của đất nước này! Chúng tôi đã ca hát vui vẻ. Nhiều giọng hát thật truyền cảm, như của chồng Bạch Hạc, vợ chồng em Nam, của Thu Mai và Thu Tâm… và màn kịch kết thúc do các em Hương, Hường, và Ngọc Anh diễn, đã làm cho tôi thổn thức, vì nói lên thân phận của người thầy sau cuộc chiến vừa qua! Về lại Seatlle mát mẻ với những màu xanh cây cỏ, tôi vẫn nhớ hình ảnh ngày họp mặt ở xứ Cali nóng bỏng ấy. Nhớ và muốn giữ lại. Để làm gì nhỉ ? Chắc là để làm giàu thêm kho tàng tình nghĩa Pleiku!

Pleiku bé nhỏ như nhà thơ Vũ Hữu Định đã viết “ Đi dăm phút đã về chốn cũ” Pleiku sương mù, Pleiku lầy lội, Pleiku lành lạnh, nhưng tình người ở đó đã làm cho Pleiku nóng ấm, sáng đẹp hơn trong mắt tôi. Pleiku quyến rũ hơn trong cái mờ ảo của sương sớm, và mãi mái tồn tại trong trái tim tôi, vì 10 năm với Pleiku trong quảng thời gian đẹp nhất của một đời người, với bao mặn nồng, làm sao tôi quên được Pleiku


Cô Vũ Thị Bích
Seatlle-WA, 2006