một chuyến đi


  Cựu học sinh Trung Học Minh Đức        



Từ lúc nhận được thư mời Về Nguồn của Ban Liên Lạc Cựu Học Sinh Pleiku, vào giữa tháng 3, tôi bắt đầu hồi hộp mong chờ, thực ra đã 2 lần tổ chức Về Nguồn, nhưng vì công việc hàng ngày, trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ và sắp làm xuôi gia, cưới vợ cho thằng con trai đầu của tôi, tôi không thể đi được…

Khi con dâu tôi đưa thư mời cho tôi (nó nhận từ tay Bưu tá), thấy bì thư đề tên anh Mãnh, Đại diện anh chị em c.h.s Pleiku, tôi vội lấy kéo cắt bì xem, Về nguồn…, thấy mặt tôi và những câu nói sau đó của tôi, con dâu tôi hỏi :

- Chuyện gì vậy Me.

Tôi trả lời

- Mấy chú, mấy bác bạn học cũ của mẹ mời mẹ về nguồn, trở lại Pleiku, nơi ngày xưa Mẹ ở với ông bà ngoại, và học mấy năm ở đó,

- Mẹ có đi không ?

- Muốn lắm chứ nhưng con thấy đó, công việc nhà mình thế này thì đi làm sao được, cả đi lẫn về phải 3 ngày, ai quán xuyến cho mẹ, ba mày, công việc dạo này cũng nhiều, mệt mõi hay cáu gắt, nên…

Con dâu rất thương tôi, nhất là khoảng thời gian này, tôi thường thức đêm coi con cho nó ngủ, con trai tôi phải lên tiếng “ Mẹ chiều con dâu quá , lâu ngày sinh tật đó mẹ à” nó bàn với tôi, nó sẽ quán xuyến mọi thứ giúp tôi trong 3 ngày, lúc này nó khoẻ đôi chút vì đứa cháu nội tôi chưa đầy 3 tháng tuổi, nhưng ngoan, ít quấy, cơ quan còn cho nghỉ phép 3 tháng nữa, nên không bận rộn gì, và thời gian tổ chức về nguồn, nó vẫn còn phép.Việc còn lại, là làm sao chinh phục ông xã,

Buổi tối, tôi cố tình để bao thư trên bàn trong phòng khách, thế nào ông cũng thấy, tôi soạn ra 1 kịch bản, nếu ổng hỏi thì mình chỉ thở dài, kiếm chuyện bận rộn việc này nọ,có dây dứt nhớ thương mãnh đất cao nguyên nhiều kỷ niệm kia thì cũng đành chịu vậy…làm sao mà đi được.

Việc đến đã đến, sau giờ cơm, lên phòng khách xem TV, tôi cố tình để anh ấy lên trước, lát sau tôi lên, thấy anh ấy đang đọc tờ thứ hai, “điều kiện tham gia…”, tôi vờ không thấy, dọn mấy thứ lộn xộn trên bàn, bổng nghe anh ấy à 1 tiếng lớn,

- À, này em, cái vụ này, em có tham gia không ? mà về Pleiku hả ?, theo kịch bản tôi thở dài

- Bao nhiêu việc, con cái giúp tôi được thì tôi mới bàn chuyện này, đằng này tụi nó…, tôi bỏ lững câu nói.

- Em nghĩ sao thế, ngày mình lấy nhau thiếu thốn trăm bề, cũng bằng tuổi tụi nó bấy giờ…anh quan tâm tới là vì dịp này anh cũng được nghỉ phép, lại có thằng bạn học cùng khoá, giờ đang công tác trên Pleiku, tiện dịp anh đi luôn cho vui, trong thư mời có nói đến vợ hay chồng được tham gia mà..

Bạn chồng tôi là kỹ sư điện, làm ở thuỷ điện Yaly, lâu nay anh ấy viết thư kèm theo ảnh, hoặc gọi điện thoại cho chồng tôi hay kể về cao nguyên hùng vỹ mà anh ấy chọn làm nơi gắn bó cuộc đời, và đôi bên cũng hứa hẹn sẽ đón chồng tôi tại Pleiku,

Được lời như cởi tấm lòng, tôi ôm anh ấy vào lòng ( lâu lắm rồi, tôi lo cho cháu nội, ngủ phòng với con dâu, ít chăm sóc anh ) giờ nghe anh ấy nói thế bỗng thấy vui lên…, tôi biết tính ông xã tôi, ít chiều vợ chuyện mua sắm linh tinh, nhưng sẵn lòng cho tôi được đi chơi có tổ chức.

Anh chỉ khẽ đẩy tôi ra – khéo nịnh…

Đến ngày đi còn hơn 2 tháng nhưng sao những lúc rãnh rỗi, buổi chiều, buổi tối, bao nhiêu chuyện nhỏ, chuyện lớn thời còn là cô nữ sinh, áo dài tha thướt, vô tư, với chiếc nơ xanh ở cổ áo, dần dần hiên về, tôi âm thầm tìm lục trong mấy cuốn album cũ kỹ, những hình ảnh còn mang theo được sau biến cố 1975, những tấm ảnh ố vàng theo năm tháng, chính ảnh của tôi mà tôi nhìn còn không ra, khuôn mặt thơ ngây, này đây là Biển hồ trong một lần đi chơi, đây là trại Noel ở sân nhà thờ Phú thọ, đây là thác An Mỹ…, đây là ảnh chụp hôm thi thể dục trong sân vận động, Ô, sân vận động, nơi hay kéo nhau cả bầy đi xem con trai đánh lộn ( thủa ấy, học sinh nam giận nhau, tức nhau vì bất cứ chuyện gì là bọn tôi thường nghe nói “ này dám bắt tay ra sân vận động không ?” Nom tinh thần thượng võ ra phết ) là nháy nhau, chờ bọn nó đi trước, bọn tôi kéo theo sau, hình như sự có mặt của bọn con gái làm cho mấy người hùng đánh nhau hăng hơn !, dẫu biết hậu quả là sứt mẻ, bị đuổi học vài hôm và thư mời phụ huynh…

Pleiku bắt đầu hiện về dần dần trong tôi, hơn 30 năm rồi, thủa là một cô bé tuổi trăng tròn, nhiều mơ lắm mộng, mỗi sáng với áo khoác len vàng, áo dài trắng, cặp da đen, ôm trước ngực, hoà vào trong sương mai phố núi, cách khoảng không xa lắm đã khuất bóng người, tôi nhớ sương mù thủa ấy, tuy mỗi năm có dăm bảy chục ngày như thế, sương phủ dày 1 lớp sát mặt đường và trên không thì trời trắng đục, chỉ chừa 1 khoảng giữa thấp thoáng thấy bóng người, xe cộ chạy không nhanh, như sợ tan lớp sương mai tuyệt đẹp ấy, từng cặp, hay ba bốn nam sinh hoặc nữ (đi học thường ghé nhà rủ nhau đi, đôi khi dù có ngược đường đôi chút, ) hơi thở như người hút thuốc, cứ mỗi tiếng nói ra, là phì phò khói, đùa vui líu lo, như đàn chim câu trắng trong buổi mai. Đoạn đường từ nhà tôi đến trường, dài hơn cây số, bước chậm đều lên con dốc cầu hội phú, sương đọng dần thành hạt lấp lánh trên tóc, trên những sợi tơ len của áo khoác, thoáng long lanh trong ánh ban mai.

Ba tôi thường cho tiền đi xem lam, nhưng tôi thường đi bộ dành mấy đồng để ghé quán bà cai giờ ra chơi, làm tô bún riêu học trò, chỉ có bún và nước lèo, ít rau sống và vài cục tiết, riêu thì vớt váng, chỉ thấy màu mà thôi, thế mà cũng ngon đáo để với đám học trò chúng tôi, thỉnh thoàng canh me, Cha Hiệu trưởng không có ở Văn phòng là lẻn ra đường mua bắp rang ngào đường, thơm thơm giòn giòn.

Tôi nhớ những chiều, đi theo con đường Quang Trung, hướng lên con dốc, một biệt thự bằng gỗ của chính quyền khi ấy làm nhà khách, nằm trong khuôn viên có hai hàng phượng dẫn từ hai cổng vào, khuôn viên rộng lắm, vẫn nhớ những chiều sinh hoạt hướng đạo, nam, nữ, thiếu, ấu , sói, kha…hàng trăm mà vẫn còn thênh thang rộng. Nhớ con đường Trịnh Minh Thế, có hàng cây cao, không biết tên gì, lá nhỏ, mỗi cơn gió qua là bay bay, rồi vương lên tóc, lên áo, nhưng qua mùa xuân thì thường đi trên đường này thi thoảng nghe tiếng thét bất chợt và thất thanh của đám nữ sinh chúng tôi : sâu kèn, những con sâu nhỏ thò đầu ra khổi một kén nhộng, đeo 1 sợi tơ dài từ trên cây theo gió đu đưa xuống đất, vướng vai cổ, không ngứa ngáy gì nhưng mất hồn, vốn chúng tôi lại nhát sâu…

Thung lũng Hoa Lư, nghe tên thơ mộng, qua mấy con dốc đất đỏ và nhiều rác đi xuống dần, đến 1 con suối nhỏ, thật nhỏ, bên 1 cây bằng lăng bị cưa trụi mấy cành, toả chút bóng bên mấy cục đá to, ngồi đây nhìn qua phi trường, thầm nghĩ đến mấy chàng lính Không quân hào hoa !, nhấm nháp me xanh muối ớt hay mắm ruốc Huế tuyệt vời. Ăn xong , đi hái chà là, non già gì cũng hái, ăn chát miệng nhưng có vị béo, nhiều thứ lắm…

Tôi nhớ ra đường Hai bà Trưng, đường Hoàng Diệu, đường Phó đức Chính, Am bà, Biệt điện, nhà thờ Hiếu Đạo; từ trên dốc Trà Bá, nhìn xuống thị xã, ngập trong rừng thông, xanh ngát, đẹp làm sao, nổi bật lên trong rừng thông ấy có Toà án trên Lý Thái Tổ, và nhà thờ Hiếu đạo hình lục giác, tháp chuông 3 trụ bê tông, mỗi sáng sớm, mỗi chiều về, 3 giọng chuông trầm bỗng cất cao trong gió vời vợi,

Tôi nhớ ra Hang đá Đức Mẹ của nhà thờ Thăng Thiên, cạnh trường tôi, con đường Lê Lợi đoạn đi qua trường tôi một dãy phượng, cứ hè về nở bung đỏ rực, cái rạp Diệp Kính bằng gỗ tối om đầy rệp, rạp hát Diên hồng ghế lưới sắt, ngồi không để ý, đứng dậy rách quần, nhớ chợ mới, vừa ồn ào, vừa hôi mỗi khi theo mẹ đi chợ, ngay cả ông tàu bán kem sầu riêng, dáng mập mập, đậm người chậm chạp đẩy xe kem, cái chuông nhỏ ghé sát tai lắc kinh koong,

Bỗng dưng hàng ngàn kỷ niệm ùa về trong tôi, những ngày trốn học vì không thuộc bài, những buổi được nghỉ hai giờ sau, lang thang qua phố nhỏ, nghe xa xa, anh chàng quảng cáo cho phim chiếu ở rạp Diên Hồng, anh chàng có dáng đi cà thọt, ngồi trên xe lam, thả những tờ prồ-gờ-ram in ảnh tài tử, tám tắt nội dung phim…: “…đúng tám giờ ba mươi tối hôm nay, màn ảnh Diên hồng hân hạnh trình chiếu cùng quý vị một đại xuất phẩm kiếm hiệp Trung Hoa chưa từng chiếu tại tỉnh nhà…” nói có vần có điệu lên xuống.

Vậy là hai tháng nữa, đất Cao châu lại đón tôi về…

Bây giờ trở về với bộ dạng của một người đã lên chức bà nội, không biết cao nguyên còn nhớ tôi không ?, dấu chân xưa in hằn đâu đó, những buổi bị đòn roi, những ngày trốn học theo đám con trai đi trộm trái cây vườn ông Hai, những lần ké xe đi biển hồ, hay thỉnh thoảng đi làng plei róh nghe cồng chiêng lễ giỗ của người thượng, coi họ say rượu, nói ba xí ba tú, không hiểu gì…

Không biết Cao Châu thương nhớ của tôi, một trời đầy kỷ niệm tuổi trăng tròn, bây giờ ra sao, có còn sương mù vắt ngang ngọn Hàm rồng, có còn nắng xiên qua hàng thông mỗi sáng, có còn tiếng thông reo vi vu mỗi cơn gió qua, lá kim bay bay, dồn xuống gốc như 1 chiếc đệm láng và thơm dìu dịu,

Không biết Cao châu thương nhớ của tôi giờ còn bụi đỏ vương vương gót chân, có còn cơn mưa bất chợt đến nhưng mãi không ngừng, mưa ăn cơm tháng, tôi vẫn ví thế, vì trú mưa ở nơi nào thì tốt nhất nộp tiền cho chủ nhà nấu cơm tháng cho ăn mà đợi mưa dứt,

Cao châu với con dốc dài lên trường Tuyên đức, trường Phao lô
Cao châu với con dốc xuống lò Ba Toa, xuống thung lũng Hoa lư,
Cao châu con đường Trịnh minh Thế dài nhiều cây xanh bóng mát, lắm sâu
Cao châu với khu Đức an với các bác, các chị dân miền trung lên, nói phải có phiên dịch mới nghe, hiểu được…

Tôi bắt đầu mơ về Pleiku. Minh đức, màu vôi vàng, 3 dãy lầu, một giảng đường, văn phòng, thư viện, tiếng trống, ông cai tên gì tôi không nhớ nhưng dáng người thấp lắm nên hay gọi ông cai lùn, Bác thâu ngân già người miền trung, kính dày cộm, dáng gầy gò hiền hậu, viết chữ tuyệt đẹp, khoan thai ghi biên lai học phí; cổng trừơng bằng sắt sơn loang lỗ vết đất đỏ, luôn khép kín, phần cửa nhỏ 1 bên, Cha Hiệu trưởng có đôi môi dày, nhân trung rộng, mũi lớn, hay núp chờ cô cậu nào không đồng phục hay đi trể, lục lọi cậu nào bị nghi ngờ mang thuốc lá vào trường, với cái roi gỗ, doạ nhiều hơn đánh, lũ con gái bị kiểm tra cặp có thức ăn mất vệ sinh không, thường là mắm ruốc…

Tôi mơ về Minh đức dấu yêu của tôi 1 thời kỷ niệm, những buổi chào cờ, phát bảng danh dự cuối tháng, văn nghệ mỗi dịp lễ, thi đua làm bích báo, bầu cử ban đại diện học sinh, dân chủ học đường đầu tiên ở cao nguyên,

Tôi nhớ Minh đức với Thầy Hoa, người phụ trách thể thao, đánh vũ cầu mạnh xa suốt sân trường, thầy Sơn tăngô, nhạc sĩ gầy gò, dáng đi lúc nào cũng như sơn ca nhảy nhót, thầy Hoàng làm thơ, làm nhạc, Cô Bích hiền hoà, hay cười, à nữa, cô Henriette, dáng nhỏ như cô nữ sinh lớp 8, dạy Pháp văn, thầy Huề dạy anh văn với chiếc honda dame, câu dây điện bình xe lên lầu, mở loa cho cát xét đọc, mà đi kiểm tra học trò, Thầy Doanh “vì rằng thì là…”

Các Thầy, Cô nhiều tôi nhớ không hết, và chắc rằng các Thầy, Cô cũng không nhớ tôi, con bé gầy gò thủa nào trong hàng ngàn học sinh của Thầy Cô.

Tôi đang mơ về Pleiku, về Minh đức, về bạn bè chắc giờ gặp mặt khó nhận ra nhau và cũng có thể quên cả tên.

Tôi đang mơ về nguồn đây…

Đôi dòng ghi thêm : thế rồi, đến ngày đi, tôi đột xuất bấn với trăm việc, cháu tôi “làm nghề”, bắt đầu biết lật, biết lẫy, chảy tướt, mẹ nó nóng ruột nhưng bó tay, tôi không đi được, ông xã đành thất hẹn với người bạn, còn tôi thất hẹn với chính mình, 30 năm một lần hẹn lại không thực hiện được, nuối tiếc vô cùng, và muốn khóc… Không biết ngày nào , nhưng rồi cũng phải 1 lần về thăm trường cũ, đất Cao châu thương nhớ…


Một cựu học sinh Trung Học Minh Đức, 2006
Trích từ Nội San Gia Đình Minh Đức số 2