cụ đồ và thi sĩ cóc


  H. Nguyễn        



Từ năm học lớp đệ ngũ, thầy Việt Văn của chúng tôi đã khen vui chúng tôi là : lớp này không những có 3 anh thi sĩ, mà còn rất nhiều nửa kia, không những chỉ là thi sĩ “bình thường” mà “tinh anh phát tiết ra ngoài” khi còn trẻ, để tôi kể lại cho các bạn nghe tại sao thầy nói thế nhá.

Số là buổi học hôm ấy, đề luận văn thầy cho “ hãy tả lại một cụ đồ đang phơi sách mà em trong thấy ( hoặc nghe thuật lại ) – chà ! cái đề tài này mới gay go chứ, giữa thời đại nguyên tử khi ấy, làm thế nào mà thấy được cụ đồ nho, còn được nghe thuật lại thì thỉnh thoảng có nghe, nhưng nghe đâu bỏ đó chứ có nhớ hết đâu, trong cổ văn có một vài bài đọc, có bài thơ nói về cụ đồ, nhưng ổng lại ngồi viết chữ nho, câu đối ở chợ chứ nào có phơi sách như đề bài thầy ra đâu, một chuyện cổ tích, có cảnh phơi sách lại là không phải ông thầy đồ, mà là một anh mê con gái của bá hộ, nghe bá hộ hẹn gã con cho ai văn hay chữ tốt ít thì cũng là sĩ tử, mà bản thân thì dốt, chỉ mượn sách, gánh đi vờ cho nước ướt, mà vào nhà bá hộ mượn nong để phơi…!

Bí quá, cắn bút mãi mà nghĩ không ra câu nhập đề “nhân dịp…..em trông thấy một ông cụ đồ ?...hồi ấy , khi theo ba mẹ về quê, em trong thấy…, những mẫu văn đều không ăn nhập chi cả… thế là một tờ giấy nháp bổng đâu chuyền đến trước mặt tôi

cụ đồ đem sách ra phơi
phơi nhằm bãi…rã rời chân tay

Chán chường cho đề tài oái oăm này, tôi thò bút viết 1 câu lục bát tiếp cho bài này, một chút lãng mạn cho ông cụ đồ

cụ đồ quay mặt về tây
bà đồ chạy lại nhảy ngay vào lòng.

Rồi ngó trộm thầy, chuyền ra sau lưng cho đứa khác, rồi tờ giấy chạy tiếp, cứ thế mà tiếp cho tới khi thầy tóm được, cả lớp xanh mặt, thầy cầm tờ giấy nháp chi chít chữ ra giữa lớp, nhìn trầm ngâm một lúc.

- Hay thật, các anh chị, giỏi thật các anh chị lớp này, bài ra không làm, lại làm thơ…

Với giọng Huế, vóc dáng cao gầy, chiếc áo vét cũ bạc màu với đầy bụi phấn, thầy nhìn cả lớp, rồi lại nhìn vào tờ giấy nháp, chẳng biết bao nhiêu đứa đóng góp trong tờ ấy, nhưng chắc chắn tôi có 1 câu, tay thò xuống gầm bàn, chà chà lấy nhau để lấy bình tỉnh, mà chờ roi vọt hay la mắng, mặt cúi gầm, tôi liếc qua cạnh và quanh 1 lượt, có những đứa gục đầu, có những đứa tỉnh bơ, à ra, thầy sẽ phân loại được cho xem, tôi cố trấn tỉnh ngồi thẳng lên nhìn lên bảng.

Thầy chậm rãi đọc

Cụ đồ đem sách ra phơi

Phơi nhằm bãi…bãi gì đây thi sĩ Chỉ ?, thầy gọi đúng chóc tên của nhân vật đâu tiên phát động bài thơ cụ đồ, Chỉ đứng dậy, dáng thấp lùn ( còn tên là Chủn Lì ) ấp úng, dạ dạ trong mồm, thầy bảo đứng đó, rồi tiếp

- À hay nhỉ,

Cụ đồ quay mặt về tây
Bà đồ chạy lại nhảy ngay vào lòng…

Cả lớp cười ồ lên, tôi tím mặt, đúng phóc “danh tác” của mình rồi, không biết thầy có biết là của tôi không, lúc tôi viết, thầy đang cúi đầu đọc lại sổ sách gì ở trên đó mà…Anh Hà, cho tôi biết cảm tưởng khi cụ đồ được bà đồ nhảy ngay vào lòng …đứng lên cho cả lớp xem nào, hay nhỉ…

Tôi dứng lên rụt rè, khác với bộ dạng thường ngày của tôi,… lấm léc, cúi đầu

Thầy chậm rãi tiếp

Hai người đứng giữa một vòng
Cùng nhau múa hát trong lòng...đê mê,

cái này, anh Quang đứng lên giải thích cho tôi xem…

Thầy lại chậm rãi tiếp

Cụ đồ liền được ăn…chè kê
Bà đồ nấu tuyệt vừa khê, vừa mùi,

giọng thầy cứ đều đều ngâm. Tôi nghe như giọng hò trên sông Hương ấy. Anh Hoè đứng dậy sau cái mững ăn chè của cụ đồ, vừa khê vừa mùi, nào…anh cho tôi biết chè kê có mùi gì, Hoè ngóng ngọng, chẳng biết xưa nay hắn có ăn chè kê không ? mà vừa khê vừa mùi là mùi gì ? Và thầy mời mỗi thi sĩ lần lượt lên bảng sau khi được đọc đoạn thơ của mình. Tôi thắc mắc không hiểu sao thầy đọc đến câu nào là nói ngay đúng tên tác giả, mà ngay phóc luôn, ( cái thắc mắc ấy mãi về sau này tôi mới có dịp nhớ lại, nghĩ lại lớp học có mấy chục học sinh, học Việt văn, nào là bài tập, luận văn hàng tuần, thầy nhớ từng mặt chữ, màu mực theo cá tính của mấy anh học trò…)

Cụ đồ ăn chán mất vui
Thình lình cụ lại….nhảy chui vô lòng bà

tay Trọng lên bục với dáng thất thểu, lo âu

Bà đồ thấy vậy liền la
Ông đồ này thật hổng là chịu chơi

Chung “gật” lên bảng, dáng chịu chơi, gật gật…

Thơ mình hay lắm bây ơi,
Mua hòm về để đợi chôn cho rồi

một thi sĩ kế tiếp lên bảng đứng quay mặt xuống lớp.

Thầy bảo, ngày xưa có 3 anh ngồi làm bài thơ con cóc trong hang con cóc nhảy ra, con cóc nhảy ra con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó con cóc nhảy đi, thấy mình thơ hay, mà tuổi còn trẻ, lại nghe thiên hạ nói thiên tài hay chết yểu, thế là ba anh gởi tiền cho một người đi qua đó lên chợ huyện mua giúp 3 cái hòm, người kia hỏi lý do, 3 anh đọc lại bài thơ, người này cười ngất ngưởng, thôi tôi cũng mua cho tôi 1 cái nửa vậy vì…nghe thơ của thiên tài

Không thì chết cả lũ thôi
Cụ đồ biết đặng ôi thôi tụi này…

một ý thức…nhân bản trong cụ đồ được anh Tuyến chỉnh lại trạng thái thơ phát lộ tài năng của chúng tôi

nhưng mà cụ lại tha ngay
bảo rằng “một phát” thằng này sá chi

…ái chà anh Tuyến, một phát gì đây lại còn đóng mở ngoặc kép, anh cho tôi biết, (cả lớp lại cười ồ) chiếc roi gỗ trắc mà các thầy thường để nhịp bảng mỗi khi đọc văn, đọc thơ hay nhắc nhở chú ý, nay thấy lăm le nhịp nhịp vào mông mấy nhà thơ đang cúi gầm mặt xấu hổ…, tuy thế chưa bao gìờ tôi thấy thầy đánh, cái roi chỉ để ra uy, lệnh mà thôi…

Lần lượt cũng trên 15 ”thi sĩ” cúi mặt đứng trên bục, cả lớp yên lặng, lắng nghe những câu thơ, tôi thấy có đứa lại lom lom chép lại, cứ mỗi lúc thầy đọc một câu, nghĩ thầm thơ mình hay lắm lắm…

Hoá ra thời gian sau thấy đăng trên Bích Báo của lớp, tờ Thông Reo mà không xin phép bản quyền…nhân vật này ngày nay làm ăn phát đạt, có lẽ con người biết chớp thời cơ, thì cũng phát tiết ra ngoài từ ngày ấy…

Thầy cho về chỗ với những lời trách không lo làm bài, viết tào lao, phạt mỗi nhà thơ 1 con zero to tuớng, nhưng may sao, cuối tháng thì thầy bỏ mất con số không này, chứ không có đứa về nhà với cuốn sổ liên lạc như thế chắc có roi chứ chẳng phải chơi, mà điểm văn thì hầu như chưa bao giờ tôi thấy zero cả,

Kể lại chuyện này, tôi muốn viết tặng cháu ngoại tôi, vì năm nay nó học lớp 8, bằng lớp chúng tôi lúc đó, tập làm thơ để đăng báo Mực Tím, thấy cháu viết nhiều nhưng chưa thấy khoe 1 bài nào được đăng cả, chắc là thi sĩ con cháu nhà nòi rồi đây !!!

H. Nguyễn.
Cựu học sinh Minh Đức đệ ngũ 66-67