NGŨ DZỊ
Nguyễn Quang Trung
Tui có thằng bạn, nó nói tui viết một vài trang cho Nội San Minh Đức, mà từ những ngày còn đi học, tui vốn là thằng học sinh luôn bị thầy Phan Ngọc Nguyên, thầy Nguyễn Vận, thầy Thái Văn Duy chấm những con điểm môn văn quá thấp, chưa kể đôi khi bị thầy phê vào chỗ ghi lời phê của thầy mà không chấm điểm ( chắc là không thể cho mãi con số 1, mà hột vịt về môn văn thì hầu như không có bao giờ, dẫu sao tôi cũng viết được vài đoạn mà không sai chính tả, chứ không dám nói về chuyện hành văn ) chỉ có những chỗ sửa chữa, phê bình gần như đầy lấp cả bài luận văn của tui, nói như vậy là bạn đã biết tui là thứ hạng nào rồi, không những thế, tui chơi bida giỏi hơn làm toán, đá banh giỏi hơn mấy vụ hỏi đáp vật lý hóa học, đến độ chán nản chuyện vào lớp vì e cũng chẳng tiếp thu được gì nên hay cúp cua ra bi da Xuân Lợi cho chắc, nay nói tôi viết thì làm sao đây ?! Mỗi ngày qua như mọi ngày qua, 365 ngày với cây cuốc lầm lũi trong rẫy cà phê, rẫy mì kiếm cái ăn, lo cho con đi học với những đợt đóng góp các loại phí, xây dựng trường, quỹ hội phụ huynh, rồi lễ tết thầy cô giáo, điên cuồng với những đứa làm nông như tui, đầu óc chữ nghĩa đâu mà viết, dẫu cho rằng thủa ấy tui cũng vượt qua được cái ngưỡng tú tài với mãnh bằng “THỨ VỚT do chiến cuộc” khiêm tốn, giống điểm thêm vùng nông thôn của con tui, hay điểm của mấy cô cậu học trò mà báo chí, TV gọi là ngồi nhầm lớp bây giờ; nó lại bảo cứ viết, với những gì xảy ra trong cuộc đời học sinh của mình, kỷ niệm, bạn bè, sau đó mấy đứa nó sẽ tìm cách sửa lại chút đỉnh, miễn hồ là đừng viết chính trị, phản động…và nó bảo chẳng ai phê bình văn chương gì đâu vì đây là sân chơi của anh chị em nay đã về già, viết gợi cho nhau kỷ niệm thủa còn cắp sách đến trường, như những ông cụ kháng chiến về hưu làm thơ, chỉ có đề tài chứ có vần điệu gì đâu, đầu một nẽo đuôi một nơi, cứ thứ bảy chủ nhật gặp nhau ly rượu khề khà, đọc cho nhau nghe xong cùng vỗ tay tán tụng lẫn nhau cho vui thế thôi, hê hê, thế thì được, tôi cố gắng viết cho nó mấy trang, hỏi thử có nhuận bút không, hắn bảo mày phải đóng thêm tiền chứ làm gì có nhuận bút, tiền này là tiền nhờ người ta sửa bài (!) và ủng hộ có kinh phí để in ra !!!, nói xong hắn cười ha hả, chả biết thực hư thế nào.
Nghĩ mãi mà không có đề tài nào, vì suốt thời đi học ngoài chuyện trốn học đi thụt bida, phá phách trong trường, viết ra chỉ làm gương xấu cho con cháu mà thôi, nghĩ mãi rồi cũng ra được chuyện nhóm ngũ dzị của chúng tôi,
Ngũ dzị có nghĩa là năm thằng khác người, chả giống ai cả, học hành thì mỗi đứa một trình độ, đứa giỏi chuyện học, đứa giỏi chuyện phá phách, đứa giỏi chuyện thể thao, còn lại là thằng tui, giỏi một chuyện như đã nói trên, lặp lại chỉ nêu gương xấu cho con cháu, nhưng chẳng hiểu vì sao mà bổng góp nhau chơi chung có vẻ tâm đầu ý hợp, ngũ dzị đó là :
Minh cà rê, hắn là thằng to con nhất đám, võ học ở nhà võ sư Hoàng Anh Tuấn, đấm đá ở võ đài chẳng biết ra sao mà chỉ có là giỏi ăn hiếp tui với mấy đứa gầy yếu hơn nó, sở dĩ có cái tên ca rê là vì hắn luôn hớt mái tóc ca rê, giống cái đầu của thằng Piere Vincent, nhân vật chính trong cuốn Cour de Langue et …gì đó, quên rồi, cuốn sách Pháp văn chúng tôi học khi ấy, là một cây thể thao, đá banh, đấm võ, nhà hắn trong chợ nhỏ gần trường nên đi học thường đến sớm, là con trong gia đình theo đạo Phật nhưng bố mẹ tin tưởng việc dạy học ở trường của các cha xứ mở nên xin cho vào học, tui thấy trong thời khóa biểu của hắn ghi…6g dậy…6g20 tụng kinh….7g đến 9 g tối học, 9g30 tụng kinh, thế nhưng nghịch ngầm không ai chịu nỗi, nhà gần trường, đến sớm dễ nghịch phá vì trường vắng, chẳng ai biết, lại thích đấm mấy thùng rác nhà trường mới đóng để trong mỗi lớp, mà nó đấm vỡ thật, có lần thầy giám thị Long bắt gặp, lôi lên văn phòng cốp cho mấy cây thước nhôm, nghĩ là chừa tới già, nhưng không, hắn bèn mang theo cái dụng cụ để người ta xăm mứt, một đoạn gỗ nhỏ trên có ghim mấy cái đinh cúc nhỏ, lấm léc, len lén trả thù mấy cái thước nhôm của thầy giám thị, bằng cách rình rồi xăm cái lốp xe đạp của thầy, xẹp lép mà không thể nào vá được, báo hại thầy phải thay ruột xe vì nếu vá thì tiền vá nhiều hơn tiền mua ruột mới. Tuy nhiên hắn học giỏi, không ít lần lãnh bảng danh dự và phần thưởng trong mỗi năm học,.
Chấn dòi, ôi cha cái tên này là do thằng bạn xấu số Học sún đặt cho, trong buổi đi chơi dưới vườn nhà hắn, cái xưởng cưa Thanh Bình to đùng trên Trà Bá, mấy đứa lặn lội trong vườn lấm lem, có lẽ thấy hắn chân tay lúc đó lem luốc hay thế nào đó mà thằng Học sún đặt cho cái tên kèm là dòi, không giận mà còn khoái trá, và rồi cái tên đó nó theo Chấn suốt những năm học cho đến ngày chia tay với trường, chuyện học chuyện chơi của Chấn thì nhiều lắm, nhưng nó cũng như tui, cứ tà tà, nhà có xưởng cưa nên nhiều lúc đỡ hơn tui chuyện tiền bạc cà phê thuốc lá (dù cha Hiệu trưởng cấm tuyệt đối, các thầy răn đe mãi), những buổi được “nghỉ 2 giờ sau”, ngồi quán Kim Liên, uống cà phê, che che dấu dấu điếu thuốc pall mall, gật gù như mấy ông cụ non, thổi khói chữ O, nhịp nhịp chân theo dòng nhạc, thanh toán tiền là Chấn chịu phần nhiều, con nhà giàu so với tụi tui, một lũ con nhà nông, “chạy cơm từng bữa toát mồ hôi”, rũi hôm nào cháy túi “ngồi đồng”, chờ cô Lân, bạn học cùng lớp, lại là nhóm bạn thân, con của chủ quán về, rủ rỉ năn nỉ cho ký sổ, lăn tay, để hôm khác có tiền trả, mà rồi hầu như chưa bao giờ trả, vì lần sau đến thì cũng đủ tiền cho mấy ly cà phê mới mà thôi, mà Lân rồi cũng dần quên mất !!…
Phần tui có cái suzuki, mấy đứa có xe hay dựa dẫm bạn con ông chủ xưởng cưa, lên xin xăng dùng chạy máy cưa, đổ đầy bình xe để đi chơi trong dịp nghỉ lễ hay chủ nhật
Một dịp ăn tất niên ở xưởng cưa nhà Chấn, tụi tui bị mấy ông thợ cưa ép uống, thịt quay thì ngon nhất là cái da chín dòn rụm, Học ăn quá lố, sau lại say rượu, “sứa” ra tùm lum, nên kỷ niệm đó gọi là “đêm sứa da heo”. Những đêm dạo chơi, khi đói, Chấn thường rủ tụi tui tới đường Tăng Bạt Hổ, Ông bác của Chấn có lò bánh mì hiệu Tân Tiến ở đó, kiếm mấy ổ nóng hổi mà ăn thú vị biết mấy, còn gì bằng nhấm nháp bánh mì nóng hổi trong đêm lạnh của Pleiku.
Học sún, dĩ nhiên vì hắn có cái răng cửa sún, nên tên cũng đeo theo hắn, cũng nhờ cái răng sún này, nên hắn phát âm tiếng Anh có lẽ chuẩn hơn tụi tui, chắc là nhờ có nhiều “tiếng gió”! nên năm lên lớp mười hắn học ở ban C, luôn được khen về sinh ngữ anh lẫn pháp, nhà buôn bán tạp hóa nhỏ trong xóm, ba hắn lái xe lam, nên không có gì dư dã, vì thế chuyện ăn chơi là không có, chăm học hơn tụi tui, có cái nét sang sang trong cách ăn nói, hắn bảo ngày xưa ông ngoại hắn là quan huyện của huyện An Khê, giòng dõi quan…có giọng hát hay, người thì gầy, mỗi lần hắn ôm cây guitar là tui nghĩ đến cái bức tranh ông Pi-cát-xô vẽ ông già với cây đàn, chuyện tình ái vẫn vơ là nhất ông này, nhờ cái mã coi cũng bắt mắt, lại giọng hát hay mà chuyện học chẳng thua kém ai nên bạn gái có vẻ có cảm tình với hắn nhiều hơn tụi tui… Năm lớp 10 vào Ban Đại Diên Học Sinh với chức danh trưởng ban văn nghệ trường, cũng khéo cùng các thầy cố vấn tổ chức những đêm thơ nhạc, hoặc phụ các thầy cố vấn những lần văn nghệ toàn trường dịp Noel hay phát thưởng hè, món ruột là bài hát Làng tôi của Văn Cao, từng với cô bạn Liên Hương song ca, mà trục trặc cái micro thế nào đó, nên sau khi hát, Liên Hương nước mắt chảy quanh thề với bóng đèn là sẽ không bao giờ hát chung với Học nữa, nhưng rồi lại thấy hát tiếp, quên mất lời thề trước…bóng đèn. Thỉnh thoảng cả bọn tui kéo nhau tới quán Sông Hương, nhà cô nàng ăn bún thịt nướng, bác Tự gái nấu ăn ngon tuyệt. Thủa ấy anh chàng lãng mạn lắm lắm, đi với cô bạn gái học dưới một lớp, tối thứ bảy, hay lên cà phê Thiên Lý, quán Tranh, cà phê Hồng để ôm đàn hát nhạc Trịnh Công Sơn, thay cho nhạc băng Anna hay Selection gì đó trong quán, không phải để kiếm tiền mà vì máu văn nghệ, hay đôi khi có người bắt gặp cúp cua, ngồi trên đồi Hoa Lư, nhìn xuống thung lũng với cô bạn gái, ôm đàn hát, trong gió tóc bay. Sau tú tài, khoác trây-di vì tới tuổi, vắn số nên sớm chia xa bè bạn mẹ cha vào mùa nhập học năm 74, bạn bè, thầy cô đến tiễn đưa lần cuối khóc sướt mướt.
Phúc hèm, à, anh chàng có cái tên hèm này là con nhà nấu rượu, hắn có thói quen rủ tụi tui về nhà chơi, chờ lúc mở nồi rượu mới nấu xong, múc lấy mấy chén hèm nóng bốc khói, cho đường táng đen vào rồi ngồi húp, ngọt ngọt chua chua, hắn bảo nhờ thế mà hắn không bị sán lãi, tụi tui ăn theo dần cũng quen, lại lâu lâu chế biến món ốc bươu mà tụi tui mà bắt ở đám ruộng sau nhà hắn, ngâm nước hèm cho nó nhã bùn rồi luộc lại với nước hèm, ăn cắp của nhà xị rượu, đem xuống vườn ngồi dưới gốc mít mà chén, đỏ mặt líu lưỡi mà ca hát, xong về nhà, mỗi đứa cầm chắc là bị ăn roi mây, nhưng vẫn thích, đôi khi đổi món, chơi thịt bò nhúng hèm thay cho món nhúng dấm; từ đó mà có cái tên cúng cơm Phúc hèm; chuyện học hành thì ba ngày bị đuổi, năm bữa lại bị đuổi vì chuyện nghịch phá trong trường, đánh lộn với bạn khác lớp, báo hại ông cụ thân sinh đã bệnh hoạn (bị tai biến, liệt nửa người) lại phải lê chân mãi đến trường năn nỉ nhà trường xin cho vô học lại mấy bận, có cái học cũng không là tệ, đã phá phách mà môn giáo lý hay về nhất, năm nào cũng có phần thưởng, một đặc điểm mà tui luôn nhớ, hắn hình như không có cái áo sơ mi trắng nào để đi học, nên suốt năm chỉ mặc áo len, cái áo ấm nỉ màu ôliu, may mấy cái cổ áo trắng cài vào trong, thò cổ áo lên trên một cách bình thường, có khi mặc trong 1 cái maiô, có khi lại trụi lũi vì maiô đã giặt chưa khô, xem ra chẳng ai biết ngoài chúng tôi, nhưng có lần vô phúc, khi cha hiệu trưởng buộc tất cả học sinh phải bỏ áo trong quần, mấy ông mãnh hay nghịch thường mặc thêm áo khoác ngoài, thỉnh thoảng bị kiểm tra, có lần giám thị kêu hắn vén áo len lên để kiểm tra, hắn vén lên phơi cả rún cho đến ngực, không thấy áo mà lại thấy cổ áo, bị kêu lên văn phòng chuyện nghịch này… khi hắn về thấy rơm rớm nước mắt, hỏi có ăn đòn không thì hắn lắc đầu, gầm mặt không nói, mà chẳng đứa nào hỏi tiếp, cho hắn quên, vì tụi tui biết, nhà đông con, sống nhờ vào nghề nấu rượu nuôi heo chẳng ăn thua, ông cụ bệnh tật, một bà mẹ chạy đông chạy tây, lo cái ăn cái học cho mấy đứa đều chọn trường tư thục công giáo mà học nên học phí nuốt hết cơm gạo nói chi là chuyện ăn mặc. Về sau tụi tui xin cho hắn mấy cái áo PX sửa lại mà mặc, áo thì rộng, không tiền thuê thợ sửa, hắn mặc lùng xùng như ông ba bị, lại có cớ mà giám thị Long cho thước nhôm.
Hắn thường than phiền người lớn không hiểu hắn, tui cũng chẳng biết hắn to tát, siêu phàm cái nỗi gì mà bảo người lớn không hiểu, hắn không trách phận than thân, đôi khi hắn lỳ lợn một cách dễ sợ, sau này gặp lại, hắn chẳng nói gì về chuyện đó nữa mà lại tự trách “ ngày đó tao không hiểu được người lớn”… à ra thế, giờ nghe đâu làm ăn kiếm sống đâu trong vùng ven Saigon, thỉnh thoảng về Pleiku, lang thang đâu đó vài ngày rồi vào lại, chẳng biết hắn làm cái trò gì, một lần đọc tờ báo Công Giáo và Dân Tộc, tui thấy hình hắn, dù ngó nghiêng khuất cả, nhưng tui chắc là hắn, với cái đầu hớt 1 kiểu muôn đời như trọc, nhìn đuôi mắt mấy nếp biết là đang cười, hỏi ra và đúng thật, hắn đang nắm tay một anh chàng người thượng bị cùi lên coi cho rõ vết thương, thấy mặt mấy anh thượng chung quanh cười với hắn, xem ra vẻ hòa đồng thích thú lắm, thấy mà ghê ! hắn cầm lên như người ta nắm cái đùi gà nướng, chực bỏ vào mồm, trụi lũi ngón tay với câu chú của anh nhà báo “điều lớn nhất là phải giúp họ xóa tan mặc cảm bệnh tật và hòa nhập với cộng đồng”. chẳng biết ý hắn là sao.
Lại một lần nữa thấy ảnh hắn lên mặt báo CGvDT, đang ôm mấy đứa trẻ mồ côi trong tay, âu yếm cười tươi với lũ nhỏ, cái thằng lạ, thật lòng tui chả hiểu thế này là thế nào cả !
Phần tui Trung cùi, như đã nói trên, do có mấy cái ngón chân, ngón tay vì giúp ba mẹ tui làm việc quá nhiều nên nó không thanh mãnh, bút tháp, búp măng như tay chân những đứa ở phố khác, trông nó cục súc, thô thô thế nào đó, có vẻ xấu xí nên cũng anh chàng Học sún lựa đặt cho cái tên cùi, thủa ấy lấy biệt hiệu là ghê gớm lắm, như Hải đen, Quý mọi, Biển Bulldog Sancho, ( nó chết rồi, nói tội cho nó, tụi tui khen nó đẹp như em trai của Fernando Sancho, một tài tử chuyên đóng phim cao bồi Mexico, hắn khoái trá ra mặt mà không biết bị chơi lỡm cho đến một hôm khoe với anh hắn là anh Hà học trên tụi tui mấy lớp, anh Hà nói ra sự thật, Bull là con khuyển mặt ngao của tiệm vàng Đồng Dụng đang nuôi, hắn đi xem thử rồi thế là đám tui no đòn với hắn.)
Tui còn nợ ở tiệm bi da Xuân Lợi mấy chục tiền bi da, bà chủ mập tròn dễ tính, cứ thua là trả tiền, nhưng tui hay “quê cơ” nên thua mãi, tiền không có bèn thế cây bút Alpha, Pilot hay Parker mà cha mẹ sắm cho, cứ vu cho đứa nào đó mượn rồi lỡ đánh mất, bà sẵn sàng bỏ qua, sá gì cây bút máy, thủa ấy nhà nghèo nhưng người ta sao rộng lượng và hào phóng thế !
Bốn cô bạn gái chơi thân với tụi tui, hay cười vang nên tụi tui lén đặt cho cái tên “tứ đười ươi”, là 4 con đười ươi (nghe bảo cái giống này hay nắm tay người ta rồi cười cho đến khi ngất hay mặt trời lặn thì mới rời tay), đó là 4 cô bạn gái đẹp và dễ mến, học giỏi, đạo đức, chẳng rõ trong Ngũ dzị có ai “lén” mơ ước tình yêu với các cô này không, vì tụi tui hay xưng hô cộc lốc, thỉnh thoảng cũng thoáng có ý nghĩ đẹp về mấy “con đười ươi” này, nghĩ vụng trộm mà không nói gì với nhau, Liên Hương, giọng cười “đã” nhất, rồi đến Thanh Phước, Thị Lân và Thị Đá, giờ mỗi người một phương, mấy người kia chẳng biết ở đâu, thỉnh thoảng về phố tui có gặp Đá, nhưng ngại ngùng không nhận nhau (nếu sau này Đá đọc được bài này thì bỏ qua cho tui nghe) vì giờ tui đứng trước mặt ai, chẳng ai nhận ra, vì chuyện vườn rẫy, cày cuốc một nắng 2 sương cái xác tui nó teo lại, răng rụng, mắt mờ và nom già hơn bạn nhiều lắm, chỉ sợ bạn gọi tui bằng chú, bác gì đó mà thôi. Nói chuyện răng rụng, con tôi bảo “ bố sau này chết chắc là lên thiên đàng chứ không vào địa ngục đâu vì chốn ấy là để cho những người khóc lóc và…nghiến răng…mà bố còn cái răng nào đâu mà nghiến !”
Tui còn nhớ một chị trong lớp đó là chị Bùi Thị Thanh Bình, chị theo họ mẹ, còn Bố là một Ấn kiều, có tiệm vải hiệu 555 ở dốc cầu Hội Phú, tụi tui lén lục sổ lý lịch học sinh để biết tên Bác Abjuh Hamen, bố của chị; thủa ấy còn có chị Tuyết Nga, vừa đi học, vừa là y tá ở bệnh viện tỉnh, cả 2 chị rất thương tụi tui, nên hay rủ xuống nhà chơi, đôi khi lo cho tụi tui ăn và cho tí rượu whisky uống nữa, bản mặt mấy tên học sinh đỏ kè vì rượu không dám về nhà; tụi tui có cô bạn người tàu rất đẹp tánh đẹp nết, giờ không biết ở phương trời nào, nghe đâu ở Canada, Tô My Cao, bố là xì thẩu cung cấp Văn phòng phẩm T. C. H. và có một thằng em Tô Bình Lư, kềnh càng mập béo, mà tụi tui hay gọi trại là “to bình sư” Cao đàn piano hay lắm, từng đoạt giải khi còn học ở trường Têrêsa Kontum, có lần kêu tụi tui vào nhà chơi rồi sai em đi mua café về ngồi uống để nghe Cao đàn, từng trang nhạc mở ra tui trông như cái bánh tráng mè đen, dày đặc những nốt, que nhằng nhịt. Cao lướt đàn 10 ngón tay mềm mại, bàn tay tuyệt vời ! tui thì “điếc” chuyện nhạc, (chỉ nhịp nhịp cái chân, gật gù, gật gù ra vẻ, cũng giống như lũ trẻ con tui ngày này vậy, gật gù gật gù mà có biết mô tê chi đâu), chỉ khoái nhìn mười ngón tay cô nàng thoăn thoắt lướt trên mấy phím ngà, tự phê phán thầm trong bụng “ Cao ơi, bạn đang “đàn gãy tai trâu đây”; nghe xong, vờ gật gù khen nhạc hay ( vô lý khi bảo bản Four Seasons của Vivaldi, Vi van đứng gì đó mà không hay, dù tui không quen biết chi ông này cả ! chỉ kịp nhìn thấy cái tít trên bản nhạc mà nói thôi, mà nhạc thì nói rồi đó, bánh tráng mè ! hic ) lớp 10 cũng có Mỵ Nương Công Chúa, da trắng, tóc hoe vàng, từ trường Thánh Phao lồ xuống, sau này kết duyên cùng một trong Ngũ dzị, giờ nghe sống đâu ở Mỹ, lâu rồi không biết có về nước lần nào chưa, còn nói được tiếng Việt không ? Một lần về phố tôi gặp bố của cô ta đang lom khom quay phim căn nhà ở đường Lê Lợi của mình, nom vẻ rất ư là Việt Kiều lắm lắm, không biết ông có đi Mỹ chưa !
Tui còn nhiều chuyện lặt vặt kỷ niệm, mà viết thì dở, nên khi thằng bạn sửa lại cho trơn tru, tui tới đọc lại thấy hứng chí bèn tính thêm thắt chút ít nữa cho hay ho hơn, tuy nhiên thằng bạn nhắc nhở, sửa văn của tui quá mệt, nên thấy chừng này là làm phiền bạn lắm rồi, đọc xong bỏ qua cho nhé...
Thân ái
Nguyễn Quang Trung
Cựu H/s TH Minh Đức; lớp 11C, NK 71-72