Nhớ thầy


  Lê thị Bình        



Kính dâng hương hồn thầy Phan Ngọc Nguyên


Thưa thầy

Thế là 1 năm qua rồi, nhanh quá, thầy đã chia tay gia đình, những người bạn già của thầy, và những học trò thân yêu của thầy.

Ngày giỗ đầu của Thầy, chúng con mỗi người một phương, không về được, vì công việc ràng buộc, vì đường sá xa xôi, vì con cháu gởi gắm trông coi nhà cửa và những lý do, xét về lễ thì không phải, nhưng xin thầy nghĩ đến chúng con, vì tình thầy sẽ tha cho chúng con như thầy xưa kia đã tha những lỗi của chúng con những khi thiếu sót lễ độ với thầy, chúng con luôn hướng về Chúa cầu nguyện cho linh hồn thầy, được an nghĩ trong ơn nghĩa Chúa.

Gần đây, có dịp con tìm lại trong đống sách cũ, cuốn sách ngày xưa thầy thường khuyên chúng con tìm đọc, dù trong ấy có những chuyện đã xưa, không hợp với thời đại nữa, nhưng là những bài học hay, mà thầy đã từng bỏ nhiều thời gian kể cho chúng con nghe những chuyện trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, dũng, tín. Những mẫu chuyện về thầy Tăng Tử, những mẫu chuyện về Tống sử, chuyện về Thuyết Uyển…những ông vua thời Đông Châu, những danh sĩ trong Tả Truyện, những danh ngôn trích từ cuốn Đại Học, Luận Ngữ, Minh Tâm Bửu Giám hay Khuyết Giới Toàn Thư…và nhiều nhiều nhân vật lẫy lừng trong Sử học Trung Hoa, những câu danh ngôn thầy đọc cho nghe để chúng con ghi chép vào một cuốn sổ tay riêng, để học, để nhớ mang theo trong cuộc đời, để ứng xử trong cuộc làm người

Cuốn Cổ Học Tinh Hoa.

Làm sao chúng con quên được chuyện thầy Mặc Tử, người nước Lỗ thời Chiến Quốc, họ Mặc tên Địch, làm quan Đại Phu nước Tống, xướng học thuyết Kiêm Ái mà thầy trân trọng kể, thầy đọc cho chúng con nghe và cho từng học trò nhỏ của thầy đứng lên nói ý của mình, truyện con vẫn còn nhớ như in trong trí, câu chuyện nhuộm tơ, thầy đã dẫn giải, gieo vào lòng chúng con cách sống và tìm bạn sống, Mặc Tử thấy người ta nhuộm tơ, nhìn mãi, ngẫm nghĩ mà than rằng “ Nhuộm vào màu xanh thì hóa xanh, nhuộm vào màu vàng thì hóa vàng. Nhúng vào màu nào thì biến ra màu ấy. năm lần nhuộm thì hóa ra năm sắc, cho nên nhuộm phải cẩn thận”.

Không những tơ nhuộm như vậy, người ta tiêm nhiễm nhau cũng thế, bạn với người hay thì hoá hay, bạn với kẻ dở thì hóa dở. vinh hay nhục quan hệ ở những người bạn mình hay giao du.” Hẳn khi đó, thầy cũng thay cho cha mẹ lo xa, tụi con giao du với những người xấu, rồi lẫn nết xấu vào lúc nào chẳng hay biết…

Con còn nhớ trong một bài viết thư khuyên bạn, có ông Trần Khế Nho ( cái tên ông này dễ nhớ, vì tên của hai thứ trái cây mà tụi con ưa thích ) viết

“…Hồn nhiên không thiện, không ác, là tính trời bẩm sinh.
Thích thiện, ghét ác là tính người muốn thế.
Bỏ thiện, theo ác là tập nhiễm thói xấu một ngày một dở.
Đổi ác, làm thiện là công phu tu tỉnh mỗi ngày một hay.
Hay, dở tự mình xét lấy mình chớ không tự dối mình.
Đó là con đường tắt thánh hiền dạy ta mà tức là cái sổ ghi công, chép tội trong chốn u minh vậy.
Ta nên cố sức, ta nên cố sức…”

Thầy giảng mãi cái thiện, cái ác, tu tỉnh, xét lấy mình, chốn u minh…cho tụi con thấu hiểu tường tận, con nghe chăm chú mà nghĩ trong đầu, thầy là mẫu mực cho chúng con, thầy dạy theo sách vở một, dạy thêm chúng con đựoc mười, giảng giải từng chữ khó hiểu, từng điển tích hay trong sách truyện.

Hồi ấy, đám học trò tụi con, là con cái đa phần nhà nghèo, miếng ăn ngon, manh áo đẹp thường chỉ là ước mơ, một cái áo dài trắng vải têtôron xoàng xỉnh, một cái quần trắng hàng tơ thô, cây bút máy Pilot là một ước mơ, chỉ dám xài cây bút máy Ta Tung ( Đại đồng ) hay Alpha, liếc xem đứa bạn con nhà buôn bán, công chức viết bằng cây viết Parker mà mơ ước, có lần hình như thầy đọc được ý nghĩ của tụi con, mà nói “ …cốt con học nên người, chứ không phải vật chất phụ trợ này làm nên phẩm giá con người đâu con…,” thầy mĩm cười hồn hậu, với giọng Huế êm nhẹ, rót vào tâm hồn con từ dạo ấy, không lấy phụ trợ vật chất làm cốt lõi, mà tự thân rán học cho nên người, một lần thầy hỏi chuyện con quê ở đâu mà nói giọng nói nghe gần như quê của thầy, con thưa với thầy quê con ở Quảng Bình, theo bố mẹ di cư, thầy bảo : hà cớ gì con sửa giọng để nói chuyện với bạn bè, giọng nói là quê hương, là cái bổn của con người, mình sao bỏ nó mà nhại giọng khác ? trừ khi con trẻ lớn lên trên quê mới thì nói theo thổ âm ở đó là lẽ thường, không nên mặc cảm về giọng nói, chỉ ngại mình không học bằng người mà thôi, con ngượng chín người rồi dạ nho nhỏ, từ đó con quay về với giọng nói chính cha mẹ sinh ra…

Có lần thầy hỏi cả lớp, có ai thích làm con của Gia Cát Lượng Khổng Minh không ? cả lớp nhao nhao, được làm con của nhân vật này thì còn gì bằng, rồi mỗi đứa tự lấy họ Khổng đặt cho mình một tên, nào là Khổng Hương, Khổng Bình, Khổng Lan, Khổng Tuyết, Khổng Thủy và cả Khổng …lồ, thầy chỉ cười, muốn làm con họ Khổng thì lấy giấy bút ra viết, đây là thơ của Khổng Minh Gia Cát Lượng gởi cho con, cả lớp lại lục đục, lao nhao, qua một trang mới của tập để viết thơ này, xem ra trang trọng lắm, thầy chậm rãi đọc :

“…Việc làm của người quân tử, tĩnh để tu tỉnh lấy thân, kiệm để bồi dưỡng lấy đức, nếu không đạm bạc thì không thể nào sáng được cái chí. Nếu không ninh tỉnh thì không thể nào đi đến được xa…

Lấy lý mà nói : muốn học cần phải có tĩnh, có tài cần phải học. Không học thì không rộng được tài, không tĩnh thì không thành được học. lười biếng khinh mạn thì chẳng thể biết được tường, hiểm hóc táo bạo thì chẳng sửa được tính….

Mỗi năm một tuổi, mỗi tuổi một kém, rồi thành ra con người khô héo, dài thở vắn than trong chỗ xó nhà, bấy giờ mới hối thì còn sao kịp nữa…”

Viết xong mà chúng con không hiểu hết, thầy lại phải giảng giải cho chúng con, một bài học lại khắc ghi sâu trong tâm não, những bài học không có trong giáo án, chương trình của Bộ Giáo Dục, nhưng thầy đã tận dụng những khoảng thời gian trống giúp cho chúng con, ngày nay đa số đã thành người thành đạt nhưng không thể quên những câu chuyện này mỗi khi ngồi với nhau, kể lại chuyện thời niên thiếu, thủa lê đủng quần trên ghế nhà trường.

Thầy ơi, công ơn thầy dạy dỗ chúng con như trời bể, Mong nơi chín suối thầy mĩm cười vì những đứa học trò của thầy, giờ cũng đã lên chức ông bà nội ngoại, thành đạt hoặc có người còn vất vả, nhưng ghi khắc sâu trong tâm, không bao giờ quên ơn thầy

Chút mọn gọi là tri ân thầy nhân ngày giỗ!

Học trò nhỏ của thầy

Lê thị Bình
Cựu H/s TH Minh Đức, Tháng 5-2007