Pleiku
             miền đất đỏ


  Kim Loan        



Nếu phải đưa các em đến thăm một nơi nào đó ở Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ đưa các em về thành phố Pleiku, đặc biệt là những ngày gần Tết. Khác với những địa danh khác trên đất nước Vệt Nam, Pleiku có không có những đồi núi hùng vĩ sát chân thành phố, không có con sông thơ mộng uốn quanh thành phố, không có những di tích lịch sử oai hùng. Điều đáng yêu và đáng nhớ nhất của Pleiku có lẽ là những cơn mưa phùn không ngơi nghỉ và cái lạnh bẻn lẽn dịu dàng của những buổi sáng đầu Xuân…

Tết Đinh Hợi vừa qua, tôi có dịp cùng chồng và con gái trở về Pleiku ăn Tết sau 15 năm xa cách. Vẫn như trong ký ức thấm nhuần Pleiku của tôi, tiết trời phố Núi những ngày cuối năm dễ thương khôn tả. Đứng từ ban công tầng 7 khách sạn nhìn xuống đường, trong tôi bỗng trào dâng cảm xúc xốn xang khó tả. Lần đầu tôi thấy thấm thía cảm giác mất mát của người sống xa quê hương.

Tôi yêu những cơn mưa phùn Pleiku, mưa như bụi bay nhè nhẹ khắp mọi nơi, phủ lên trên tóc, lên cỏ cây của buổi sớm mai, lành lạnh nơi đầu mũi, ươn ướt ở quanh mi. tôi yêu dạo quanh chợ Tết Pleiku lúc trời còn sớm tinh mơ, khi đường phố còn chìm trong giác ngủ sương phủ bồng bềnh. Nhìn hai dãy rau xanh rì cùng với hoa quả thơm tho, màu sắc rực rỡ, trải dài hai bên lề đường làm sống lại trong tôi những cảm giác mà đã 15 năm nay tôi mới thấy lại. Sau bao nhiêu ngày mệt mỏi vì đi đường và giờ giấc thay đổi, tôi cảm thấy hạnh phúc và khoan khoái hít thở không khí trong lành của Pleiku. Tôi hòa mình vào nhịp điệu rộn ràng và an lành của phố Núi thân thương, hân hoan chờ Tết đến.

Lúc trước, khi tả về Pleiku, tôi thường bảo Pleiku có hai “đặc sản” chính, đó là café và …bụi đỏ. Vì thế, có lẽ giống như tôi, khách tha phương khi trở về Pleiku không khỏi bùi ngùi trước sự mất tích của bụi đỏ, đành rằng ngày nay, Pleiku được xây dựng, mở mang, khang trang và sạch đẹp hơn nhiều, nhưng tôi vẫn cứ trong mình một ý nghĩ của 15 năm trước, khi phần lớn đường phố của miền đất tây nguyên trù phú này chưa được trải nhựa, Pleiku có rất nhiều bụi đỏ. Vào những ngày nắng ráo, bụi bay mịt mù, bám vào tóc, vào áo, vào tất cả những nơi chúng có thể bám. Vào những ngày mưa, bụi đỏ quyện thành bột nhão, bám chặt vào lốp xe, vào đế giày dép đến nỗi phải cạy mới ra. Vậy mà khi trở lại, tôi nhận ra ngay một “thiếu sót” : Pleiku không còn bụi đỏ tung lên để ve vãn khách bộ hành.

May mắn thay, Pleiku vẫn còn có những tách café đậm đà, mê hoặc lạ hồn. Bây giờ, phần lớn vì lý do sức khỏe, phần vì tuổi tác, tôi không uống nhiều café. Vậy mà khi về lại Pleiku, sáng nào tôi cũng cùng gia đình đi ăn sáng và sau đó chúng tôi kéo nhau vào quán café. Tôi gọi cho mình một ly café sữa đá, dù sao đó chỉ nhâm nhi vài muỗng. chỉ vậy thôi mà cũng đã giúp tôi lấy lại cảm giác của ngày nào.

Về Pleiku lần này, tôi đã cùng bạn bè tổ chức một sinh hoạt mà trước kia chúng tôi vẫn làm, đó là theo các tu sĩ Công Giáo vào thăm các trại cùi ở những vùng sâu, vùng xa. Lần này tôi đến thăm một giáo xứ chuyên phục vụ cho những bệnh nhân cùi người thiểu số nằm sâu trong một khu rừng thuộc tỉnh Kontum, cách nội trấn Pleiku khoảng 50Km. những người cùi ở đây sống cô lập từ đời này sang đời khác. Nếu không có các Linh Mục, các Sơ đến đây sinh hoạt và thăm viếng, thì có lẽ cả đời họ không bao giờ gặp một người Kinh nào, hoặc được trông thấy những vật dụng tân tiến của đời sống hiện đại. họ sống ẩn dật trong những ngôi làng nhỏ, từ người lớn đến trẻ em, tất cả đều mang bệnh cùi. họ trồng khoai, trỉa lúa và tự trao đổi nhau rau quả để nuôi sống lẫn nhau. Có em đã lên năm mà chưa biết được một viên kẹo hoặc được mặc một chiếc quần dài. Các vị tu sĩ đã quên mình khi phục vụ họ, đem đến cho họ tất cả những gì họ có thể, đặc biệt là lòng yêu thương an ủi.

Tôi xúc động nhất khi bước vào nhà nguyện của họ. Nhà nguyện chỉ đủ chỗ cho 70 người, các dãy ghế được làm bằng những thân cây còm cõi, khẳng khiu chặt từ trong rừng, chung quanh không vách ngăn mưa gió. trường học của họ thực sự là ngôi chòi lụp xụp, nóc che là những tấm bạt nilong xác xơ, cũ rách vì cái nắng khắc nghiệt ở đây. Nhìn những ánh mắt nhân ái của các vị tu sĩ, những gương mặt hân hoan, những bàn tay run run vì xúc động của các bệnh nhân khi được trao quà, tim tôi thắt lại, sung sướng vì được chia sẻ cùng họ, vừa thấy quặn đau trước cuộc sống vô vàn khó khăn của họ.

Trên đường về lại thành phố, chúng tôi ngồi trong xe, không ai nói với ai tiếng nào. Không phải vì chúng tôi mệt, mà vì tôi đoán ai trong chúng tôi cũng bắt đầu cảm nhận một cách sâu sắc về sự may mắn của cuộc sống riêng của chúng tôi, cũng như phát hiện một lần nữa ý nghĩa thật sự của lòng bác ái và sự hy sinh. Đó là món quà đầu xuân đích thực mà tôi hằng mong đợi.

Cám ơn Pleiku, vùng đất đỏ cao nguyên bình dị nhưng nhiều sắc thái, đã cho tôi thêm lòng yêu quê hương và yêu tha nhân, để tôi tiếp tục vững bước trong cuộc sống của chính mình.

Xuân Đinh Hợi
Kim Loan, Cựu H/S TH Minh Đức
California