CHIẾC QUE DIÊM ĐẦU ĐỜI


  Hồng Hạnh - MinhDức thế hệ II        



Lời tựa: Kính tặng Bố Nghĩa và các Cô, Chú...


Các cô, chú kính mến,

Sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, trăn trở, và nhất là sau nhiều lần “bị” chú P nhắc nhở, con mạnh dạn viết bài này, nó chỉ là một lá thư con gởi cho các cô chú trong Gia Đình Minh Đức, là Gia Đình lớn của Ba con, vì Ba Nghĩa con là thành viên của Gia Đình Minh Đức, còn phần con, như các cô chú gọi, là thế hệ F2, thế hệ Minh Đức 2, thế hệ mới lớn lên sau này, chỉ ngồi ngóng chuyện của cô chú nói với nhau mà đôi khi không hiểu mô tê chi cả, từ những ngôn từ, địa chỉ, địa danh, tên đường phố bây giờ không còn gọi, hay đúng hơn sau khi đất nước hết chiến tranh (mà con cũng chỉ biết chiến tranh này qua bài học và những buổi lễ kỷ niệm 25 năm, 30 năm ) con mới hơn 20 tuổi. Tuổi tụi con ngày nay hầu như không có gì để nói, chỉ ngoài chuyện cố gắng học hành, vâng lời cha mẹ, và chơi, nghe nhạc hip hop, sưu tầm ảnh diễn viên Hàn quốc, tụ tập nhau sau những buổi học chính khoá, kéo nhau đến nhau thầy cô để học thêm, hoặc lên xe, kéo qua những con phố “an toàn” ( phố không có các chú công an giao thông ) hú hét thoải mái, ho

ặc kéo nhau vào quán nước khu Đức An, những Đùng Đình, Souvernir, Tích Tắc, hay hôm nào bất chợt có đứa dư tiền, lại kéo nhau qua hồ Đức An, ngồi Vương Cát Trà, vung tiền xài mà không thấy trà ngon thơm chỗ nào cả, chỉ ngồi nói dóc với nhau về những trang web “tìm hiểu giới tính hot”, kể chuyện chat với nhau trên mạng và lừa dối nhau trên mạng cho vui, có đứa đã xem, có đứa chẳng biết mô tê, chỉ hóng chuyện và tưởng tưởng rồi đỏ mặt xấu hổ.

Cũng một cách tình cờ, khi về thăm nhà ( con đang thuê phòng trọ gần trường để đi học, nhà con ở tận kinh tế mới Ia sao) thấy Ba Nghĩa đang say mê tờ Nội San Gia Đình Minh Đức, tò mò con lấy coi, chỉ đọc thoáng qua, con thấy hay hay, con hỏi chuyện Ba con, mới hay đây là cuốn đầu tiên sau khi nghỉ học trên 30 năm, anh chị em bạn học cùng trường của Ba thực hiện để gom nhau lại, nhắc nhớ kỷ niệm cho vui, con chỉ biết thế, đọc trong bài con không tưởng tượng ra Pleiku ngày xưa như thế nào, chắc không đẹp như hôm nay, rộng lớn, xây dựng nhiều nhà cao tầng, nhưng sao con thấy các cô chú thương yêu những mãnh vụn kỷ niệm và trân trọng nó đến thế, từ những lá thông rơi, từ những vũng bùn đất đỏ, từ những cơn gió lạnh qua phố, những cơn mưa chợt đến, chợt đi, hoặc mưa thối đất, hay những quán ăn có tên kỳ cục “bún bò nhà xác” eo ơi, ai ăn được, những con dốc đi bộ, mà tụi con bây giờ chỉ một tí qua đường cũng lên xe thôi! Đọc mà không tưởng tượng nỗi cái này ở chỗ nào, cái địa danh kia ở đâu cả, vì hầu như chỉ còn n

ằm trong ký ức của các cô, các chú, bây giờ đã đổi thay rồi mà, có khi con nghĩ, cô chú nhắc chi chuyện cổ kỷ vậy! Nhưng ba con nói, tất cả là một quảng đời người của bạn ba, họ trân trọng vì đã sống qua nó và nó đẹp lắm trong đời người của họ, của ba, nay vì chuyện cơm áo mà dần quên chứ không bao giờ mất hẵn trong tâm trí…, thế hệ của tụi con chắc rồi cũng sẽ có như thế, vì hôm nay, chưa thành quá khứ nên con chưa thấy trân trọng nó đó thôi.

Thấy cuối trang có địa chỉ e-mail, trúng tủ chuyện chat chít của con rồi, thế là con ghi vào tờ giấy địa chỉ liên lạc của chú P. người phụ trách in tập Nội San, ghé vào một cửa Internet, gởi ngay cho chú ấy mấy câu chào hỏi rồi xưng danh, để đó, lúc nào lên máy chú ấy sẽ ngạc nhiên cho xem, và tối đó, ghé vào lại, đã thấy chú còn trên mạng, con hỏi chú, chú chỉ hỏi lại 2 câu để xác minh con là ai, và sau đó nói toạc cả họ tên Ba, chỗ ở trước đây của ba con, kỷ niệm về trận bóng đã mà ba con bị trật xương bánh chè, về Bác C, bác N với nghề bán phở ở Saigon, chú ấy nắm rõ từng người, cũng dịp may, chú bảo ít hôm nữa chú về Pleiku có việc với anh chị em Gia đình Minh Đức, nên con có hẹn chú cho con đi với cho vui, vì mấy hôm đó trường cho nghỉ ít hôm chuẩn bị đi thực tập.

Buổi sáng y hẹn chú xuất hiện trước trường, trông khó coi vì bộ dạng “thô thiển” của chú, đầu tóc thì mốt đầu đinh, con ái ngại khi gặp chú, nhưng rồi khi ngồi trên xe chú chở về thành phố, qua những câu chuyện đầu con thấy gần gũi và khác như mình nghĩ, mạnh dạn nói với chú, chú ôn tồn bảo, chú vẫn bị người ta nghĩ như thế rất nhiều, không riêng gì con, nên đừng ngại, lịch làm việc của chú gồm họp mặt mấy cô chú cấp tốc tại quán càphê, xong đi thăm 1 nhà trẻ do các sơ nuôi, trẻ bị bại não, khuyết tật, con đi theo chú, qua mấy đoạn dốc, quanh trong làng dân tộc, vào một căn nhà khiêm tốn ở giữa khu vườn trồng nhiều chủng loại cây ăn quả, tiêu, ớt, rau, hoa đủ loại; sở thích con gái, con nhảy xuống tính bẻ cành hoa thạch thảo xanh ngọc, chợt thấy 1 bà làm vườn dáng lam lũ, với bộ quần áo bạc màu, chiếc nón vải che gần hết mặt, nhìn con nghiêm nghị, sợ quá con không dám hái (sau này con mới biết đó là 1 nữ tu, chị cả của nhà này, gọi dòng tu thì không phải, là nhà nuôi trẻ khuyết tật).

Bước vào là nghe lời chào của một Dì, sau lưng Dì là mấy đứa nhỏ nằm trên xe, hoặc ngồi với dây an toàn thắt qua bụng, đang rít lên, hú hét, những âm thanh kỳ quái, con nhợn quá, lui ra mà tính chuồn ra cổng, nghe chú P và cô B gọi, con trở vào mà hồi hộp, lo lắng nhìn, bọn nhỏ bọt mép tràn bên miệng, đứa hã mồm ra, răng mọc loạn xạ, mắt nhìn lơ láo thất thần, hãi quá, chú Phúc ôm ghì 2 đứa trong tay, đang nói chuyện với các Dì, quay lại nhìn con, thấy chú nựng đứa bé vui vẻ, rồi nói với con : ẳm giúp chú 1 đứa xem…chị nhìn em mà chả biết thương chi cả… con sợ chú la tại sao khi đòi đi theo chú đã nói trước, không thích thì ở nhà, chú không buộc, con hứa là không sao đâu chú mới cho đi theo, giờ đứng trân ra đó thì sợ chú la, nên bặm môi đưa tay ẳm 1 em từ tay chú chuyển sang, con phải làm lơ ngó đi chỗ khác khi ẳm em trên tay… trong đầu thoáng nghĩ “sao mà tội nghiệp vậy trời…! Bị như thế này sống làm gì nữa…”, chú P liếc nhìn 1 cái rồi đi vào nhà trong, để mặc cho con xử lý, thực tình sau này chú mới nói, chú vào trong nhà nhưng để ý thái độ con thế nào… để có thể tiếp bước cha anh….

Phút chốc con cũng quen, và thấy thương, dù mùi hôi từ răng miệng em bé làm con khó chịu (do răng mọc lung tung, 2, 3 lớp, các Dì đánh răng cho cũng không hết được, đến giờ ăn, con cố giúp các Dì nhưng bất lực, con muốn khóc, vì hơn 20 phút, “nó” không nuốt được 1 thìa, cứ lè ra, phun tứ tung lên người con, chịu không nổi, may thay, các Dì nhận lại và dỗ dành cho ăn, cũng chẳng nhanh hơn con cho ăn, cũng phun như thế, cũng nước dãi với cơm văng đầy mặt các Dì…

Trở về, chú cháu kiếm miếng cơm quán ăn qua loa rồi tìm 1 quán nước ngồi, kêu ly cà phê để trước mặt xong chú P. nhắm mắt ngủ tranh thủ, vì chú bảo đêm qua đi xe cả đêm, mất ngủ…

Ngồi một mình, chẳng có chuyện gì, nghĩ vu vơ, nhìn chú P. quẹo đầu trên ghế ngủ ngon, con nghĩ “cái ông này có điên không nhỉ, bộ dạng đâu đến nỗi, sao làm chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng thế ..”, chẳng được giấc ngủ cho ngon nửa, chú vẫn ngủ…

Con ngồi nghĩ mãi, nghĩ hoài về những em bé bị bại não trong nhà nuôi của các Dì, chẳng rõ thiếu thốn gì không, mà các Dì mắc chi lại nuôi chúng nó cho khổ thân, sao không làm việc khác kia chứ ? đâu thiếu việc làm mà “rước” của nợ vô thân thế, rồi thì có 3, 4 Dì làm sao mà cho ăn một lúc 10 đứa nhỏ thế kia, rồi nào là giặt đồ, nào là đi chợ, nấu nướng, tắm rửa, lau nhà, làm vườn, tưới rau để có cái ăn cho các em đó, cực thân thế mà chọn làm gì việc ấy ? rồi lại các cô chú Minh Đức này nữa, lặn lội từ đâu đâu về, chui vô, ẳm bế, nựng nịu, vỗ về, cho quà bánh rồi biến, mắc chi vậy ?

Con nghĩ mãi không ra, lẫn quẫn hoài với ý nghĩ làm chi để cực thân vậy, chú P. vẫn ngủ, ly cà phê nguội hẵn rồi, mà chú nói khi nãy, phải uống một ly cà phê nóng trong không khí lành lạnh cao nguyên này mới ngon, giờ thì ngon lành gì nữa ? nguội tanh rồi, một mình ngồi cắn hạt dưa, chẳng nói được gì, muốn bỏ đi mà không dám, giá giờ có thằng bạn, hay con bạn nào tạt qua là có cớ chuồn ngay, thoát cái cảnh này… và những em bé cứ quần mãi trong đầu “ đâu mà có người khổ thế nhỉ” ,“ai lại rước khổ vào thân nhỉ”, “sao các cô chú ấy mò đến tìm những đứa bé đó làm gì nhỉ”.

Rồi một lúc con lại nghĩ giá có đứa nào kéo ra khỏi quán này, qua ngồi bên bờ hồ Đức An uống trà Vương Cát kể cho nó nghe chuyện mấy ông bà hâm…

- Ái chà, chú ngủ say quên mất, mà được cả chiêm bao được một giấc đẹp… chú P trở mình nói, con hỏi vu vơ cho có chuyện với chú : chú chiêm bao thấy gì vậy, nói con đánh con số đề coi !, chú cười, ngoáy ly cà phê nguội mà chưa bỏ đường vào, con nhắc : chú ơi, chú chưa bỏ đường vào mà, chú lại cười : - thế con bỏ cho chú thìa đường đi, ở đó thấy mà không làm, chỉ có nói…, con cho vào ly cà phê của chú 2 thìa nhỏ đường cát, quậy lên cho chú rồi nhìn nhấm nháp vẻ ngon lành, dù nguội hẵn rồi, chú đốt một điếu thuốc, sau khi hỏi con có chịu được khói thuốc không, con nói bạn con chẳng bao giờ hỏi con như thế, chúng hút như tàu chạy, khói mịt mù, con cũng quen rồi, chú xin lỗi vì một thói quen chưa bỏ được hay làm phiền người khác, chú hỏi con nghĩ thế nào về chuyện sáng nay, con phải nói dối: tội nghiệp mấy đứa nhỏ quá chú há… nhưng thực lòng con ngán muốn tới cổ rồi, lần sau mà chú rủ thì con kiếm cớ bận học, chẳng đi đâu !

Chú chậm rải nói, kiểu nói của mấy ông già chán đời: - Con biết, nếu hồi nãy không có con cho chú mấy muỗng đường ly cà phê của chú đắng lắm, nhưng cũng phải uống thôi, có con cho mấy muỗng đường, ly ca phê dễ uống hơn…, con chẳng hiểu ý chú muốn nói gì cả, thì con không bỏ đường vô, không nhắc thì chú cũng tự làm được mà… Không, không, không phải thế, việc gì cũng cần có cộng đồng, việc gì cũng cần phải có hổ tương, việc gì cũng phải cần có người khác chung tay mới tốt đẹp hơn lên, một mình chú làm cũng được, hoặc như các sơ sáng nay, tự làm được đấy chứ, cần gì chú cháu mình, nghĩ tội cho mấy bé tật nguyền, mình thêm 1 tí đường vào cho đời các cháu bớt đắng thế mà…” chú không nói nữa mà nhìn con hồi lâu, tự dưng con chợt hiểu ra và bỗng thấy xấu hổ vì những suy nghĩ của mình nãy giờ, thì ra trong lúc lơ mơ ngủ chú cố tìm ra câu chuyện để nói, có lẽ vì từ sáng đến giờ chú đã dò ra ý nghĩ của con…

Trước khi ra khỏi quán, chú lấy hộp diêm lên, lấy một que, bật cháy lên rồi đưa cho con, đang ngơ ngác chả biết chuyện gì nữa đây, chú nói - chú muốn chuyền lửa này, tuy nhỏ, có thể tắt ngúm ngay, nhưng mong con gìn giữ nó, và chuyền thêm cho các bạn con, mỗi người vì mọi người…

Sau khi lên nghĩa trang đốt nhang và đọc kinh cho Ba Mẹ chú, chú dẫn con qua khu mộ Đồng nhi, đốt một bó nhang to giữa trời, chú nói nhỏ với con, chuyện này thời gian sau, con sẽ rõ hơn, nhưng dù sao, con lúc này tuổí cũng là hơn 20 rồi, đây là gương cho con soi, và thận trọng trong cuộc sống, chú chỉ ngắn gọn, cho con suy nghĩ về bài thơ cho bé Trung Thu…

Chia tay chú, mấy giờ nữa chú lên xe trở lại Sài gòn cho kịp sáng thứ hai đi làm như thường lệ,

Cám ơn chú, các cô chú đã thắp cho con 1 chút ánh sáng, nhỏ bé dễ tắt ngúm như chú nói, nhưng con sẽ cố gắng giữ nó trong lòng, con đã hiểu ra mình phải làm gì, con đã hiểu ra những việc của các cô chú, các thành viên của Gia Đình Minh Đức của các cô chú, thế hệ tụi con chưa ai nghĩ đến việc thế này, còn mãi lo học cho vừa lòng ba mẹ, cho có mãnh bằng sau này đi kiếm việc làm, giờ rãnh đi hát hò, quán xá, dù nhà con không dư giả lắm, nhưng bạn bè con chúng nó bao cho con hết, chúng nó nhà khá giả hơn, cũng vui chơi vô tư; nhưng mà các cô chú ơi, cho con từ từ làm quen thôi, ập một cái con không làm được đâu ! con hứa sẽ theo mà giữ ngon lửa chú truyền cho, mà từ từ thôi nhé chú !

Hồng Hạnh
con của ba Nghĩa, Gia Đình Minh Đức