CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ


  Nguyễn thị Kim Thanh        



Năm 1970, Bố tôi thuyên chuyển ra Pleiku, thế là gia đình tôi dắt díu nhau theo Bố. Pleiku lúc đó với tôi là vùng đất xa lạ, heo hút…trong sách vở. Mà thật vậy ngày đầu tiên đặt chân đến đất cao nguyên này. Cảnh vật chung quanh đã làm cho tôi bật khóc nức nở, khí trời thì lạnh như cắt, sương mù giăng kín bầu trời, phố xá êm ả, người người đi trên phố áo len che kín cổ. Đi mà như chạy, có lẽ cố tránh cái lạnh quái ác đó, không gian tĩnh mịch đến lạnh lùng.

Không phải chỉ mình tôi, mẹ, anh và các em tôi đều khóc, mọi người đều nhìn về Bố. Bố tôi chỉ thở dài ngao ngán khẻ bảo :

- Rồi! sẽ dần quen thôi !

Quen sao được, tôi đã đủ lớn ( lớp 6 ) đủ khôn ngoan phân biệt được chứ !, Thành phố Sài gòn nơi tôi ở. Ôi! Nhộn nhịp làm sao, đông đúc người qua lại, nhà cửa san sát thật vui, xe cộ thì như mắc cửi, còn nữa chứ những đứa bạn trong lớp những buổi ra chơi, chạy thật nhanh ra sân trường, dành chỗ dưới bóng cây cho mát vì sợ những đứa con trai nhanh chân hơn và còn nữa những đứa hàng xóm khi biết tôi sắp đến Pleiku, bịn rịn chia tay rồi ngồi khóc dễ dàng và… giờ đây đã hết rồi. Tôi khóc to hơn và giận Bố thật nhiều.

Bố tôi xin cho tôi vào Minh Đức. Ngày đầu tiên đi học ở một trường xa lạ. Trong lòng tôi lại bùng lên một nỗi nhớ trường xưa da diết. Nhớ từng nét mặt những nhỏ bạn, kể cả những đứa tôi không ưa, lại khóc ( con gái mà ).

- Rồi ! Sẽ dần quen thôi,

Thời gian thấm thoát thoi đưa, tôi đã thích nghi với thời tiết nơi đây, con đường hằng ngày tôi vẫn đi qua hai ngọn đồi và một con suối, nước trong veo quanh năm réo rắt, ngày hai buổi đến trường thơ mộng làm sao ấy.

Tôi bắt đầu thích đến lạ, từng gốc thông già, con đường đầy bụi đỏ, gió se se lạnh, không gian dịu hiền của phố núi. Con đường đó đã cho tôi bao nhiêu kỷ niệm thủa học trò, những lúc trời mưa thì eo ôi! Đất đỏ ướt nhèm nhẹp bê bết vào gấu quần, đôi guốc lại được “tăng cân” bực mình mà vui.

Vườn rau xanh mướt chung quanh nhà, ngày ngày mẹ tôi chăm bón, bao quanh là đồi núi trùng điệp. Những buổi trời trở lạnh, lấy vội vài củ khoai lang vùi vào bếp lửa nướng ăn. Mùi khoai nướng thật thơm, khói bếp toả nghi ngút, lửa bập bùng kêu tí tách, thật vui tai. Tôi thả hồn bay theo làn khói, muốn gửi tấm lòng mình phủ kín phố núi thân yêu này.

Thời gian cứ thế dần trôi. Tôi đã học lớp 10. bắt đầu biết e thẹn, làm dáng đôi lúc cũng cáu gắt khi bị các bạn trai trêu ghẹo hơi lố. Những ước mơ, mộng mỵ hiện trong đầu. Mình đã lớn.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt. TV, radio rả rích cả ngày về tình hình chiến sự. Tôi chẳng hiểu gì trong cái đầu non trẻ lúc đó. Cho đến một ngày người ta kháo nhau di tản. Ngoài đường phố xáo trộn, những chiếc xe quân sự ngược xuôi vội vã, người người đổ ra đường, tay bồng tay bế, áo quần xốc xếch nét mặt căng thẳng, mặc cho cây cỏ cứ lặng im, con đường Trịnh Minh Thế mọi ngày êm ả làm sao, những tà áo trắng dài tha thướt, cái nơ xanh đầy kỷ niệm thay vào đó bây giờ là sự bất an. Người ta bảo nhau chiến tranh sẽ đến nơi này, mọi người đổ xô nhau, vơ vội vơ vàng ít quần áo lương thực về Sài Gòn. Gia đình tôi cũng hoà quyện vào dòng người đông đúc đó. Định mệnh đã trớ trêu thách thức tôi đủ thứ đến và lại đi. Tôi cũng không còn kịp nhìn lại ngôi nhà thân yêu, từng góc phố con đường, mái trường yêu dấu, bạn bè thầy cô, bởi tiếng Mẹ giục giã bên tai. Tôi bật khóc. Ai đã từng đến mãnh đất này dù rằng thời gian ngắn ngủi thôi, từng ngày ngày xách cặp tới trường, tung tăng trên từng con phố buồn tênh, thì làm sao quên được những ngày xưa thân ái ấy.

Chiến tranh đã qua đi, về lại chốn đô thành xa hoa ngày nào. Gia đình tôi may mắn không ai thiệt mạng, nhưng khó khăn bắt đầu xâm chiếm gia đình tôi, nhà cửa, tài sản mất tất cả, đành tạm xếp bút nghiên đi tìm cách mưu sinh. Những lo toan cơm gạo áo tiền với Mẹ, thực tế cứ đến, tôi gác lại những mơ mộng ngày nào, cố gắng làm sao để kiếm được cái gì để nhét vào cái bao tử thường xuyên kêu “rột rột nhắc nhở”. Nhưng trong đầu tôi không sao quên được phố núi, bạn bè ra sao? ai còn? ai mất ?

…Vũ trụ cứ xoay vần, tôi trở nên cứng rắn hơn, cuộc sống đã dạy tôi để tồi tại, lao vào buôn bán đôi lúc quên cả mình. Giấc ngủ đêm đêm không còn mộng đẹp thay vào đó là chiều theo con mắt lúc nào cũng “đói ngủ”. Rồi cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn, tôi đã được yêu, lập gia đình, có con và hạnh phúc. Tới bây giờ tôi mới tự hỏi

- Ba mươi mốt năm có đủ dài chưa cho ngày về của mình ( tôi tạm gọi như vậy )?

Ba mươi mốt năm biết bao thay đổi. Tôi đã liên lạc được với Tú – Trang – Kính và cả thầy Sâm (thầy dạy tôi môn văn ), ngày đó chúng tôi đều sợ thầy khảo bài lắm. Thầy đã thay đổi nhiều, không khó tính như xưa. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn quây quần với nhau cùng thầy nay nhà đứa này mai nhà đứa khác, kể cho nhau nghe chuyện học trò, dám nói chuyện với thầy nhiều hơn, thầy chỉ hiền hậu mỉm cười.

Ngày về nguồn 2006, tôi cùng với Trang, Tú về thăm lại chốn cũ. Gặp lại nhiều bạn học, trường xưa. Phố núi bây giờ khác lạ nhiều, nhiều hàng cây ven đường đã bị chặt đi cho đường rộng hơn.

Con đường đất đỏ ngày xưa dẫn tôi tới lớp, bớt ngoằn nghoèo hơn. Lúc tôi ra, không gặp những cơn mưa rả rích cả tháng trời, không có áo dài đôi guốc để được bê bết bụi đỏ. Tôi thất vọng nhưng có quá ích kỷ không với thời gian? Những giọt nước mắt nhẹ rơi nghe tâm sự chuyện ngày xưa. Ngày đó tuổi học trò cứ tung tăng chân sáo nhỏ đến trường, chỉ biết ăn no chình bụng, ngủ một giấc dài, để ngày mai được đến lớp. Cái tuổi vô tư hồn nhiên ấy đẹp làm sao. Nhưng đối với chúng tôi lúc ấy chỉ là sự bình thường như bao sự bình thường khác.

Tôi đã về đây, đang đứng ở mãnh đất này, sáng sớm sương mai vẫn còn phủ kín, se lạnh. Lòng tôi lại nao nao bồi hồi, nhưng ấm cúng đến lạ thường.

Bạn bè tôi trong lớp, lúc trước đôi khi chỉ nhìn nhau không nói, bây giờ tự nhiên hơn, đứa thì có vẻ tự tin trong cuộc sống thành công. Đứa thì thất bại trên tình trường, hàn huyên tâm sự. Nhiều vết chân chim hằn lên những đuôi mắt tinh nghịch ngày nào, nhiều mái đầu tóc đã phủ sương. Đứa lên chức Nội, Ngoại. Từng giọng nói không còn lí lắc nữa. Nhưng vẫn ẩn chứa bên trong tình bằng hữu ngày xưa.

Ngôi trường xưa vẫn còn đấy, chỉ con đường phía trước thay da đổi thịt mà thôi. Chúng tôi hàn huyên tâm sự đầy vơi chuyện chồng con. Bao nhiêu nỗi lòng được tuôn ra như suối cạn gặp mưa về. Văng vẳng đâu đây tiếng hát của cô ca sĩ nào đấy : “Phố núi cao, phố núi đầy sương…”nghe thật hiền hòa.

Tôi muốn với tay vơ lấy áng mây chiều của phố núi, bỏ vào ba lô cho đắp đủ những yêu thương tuổi thơ kia. Để được ngửi thấy mùi cỏ dại ven đường, được ngồi dưới gốc cây già nơi sân trường, hóm hỉnh tuổi học trò, kể cho nhau nghe ánh mắt của “thằng này, thằng nọ” rồi rũ ra cười những câu hỏi ngây ngô của những anh chàng áo trắng đòi làm “người lớn”.

Tạm biệt thôi, phải về nhà lo chuyện chồng con, ngày chia tay ai nấy đều buồn. Những bước chân thoăn thoắt ngày nào, bây giờ dường như chậm hẳn, để bước vào trường đời. Tôi nhớ đến bài văn mẫu “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, không còn là “…Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi…” thay vào đó “…chồng con tôi âu yếm nắm lấy tay tôi đi đến trường… đời”.

Tôi không thể nào quên, thời gian kỷ niệm 5 năm tuy ngắn ngủi đó, nhưng cũng đủ dài chưa cho lứa tuổi ô mai? Tôi đã hết giận Bố, cảm tạ Bố thật nhiều. Dấu ấn của thời gian sẽ là cột mốc để tôi hiểu và biết rằng Pleiku của tôi là mãi mãi.


Saigòn, tháng 8/2006
Nguyễn thị Kim Thanh
10AB1/ 1974-1975, Trung Học Minh Đức