THƯƠNG NHỚ NGÀY XƯA


  PhạmThuHương        




Ngộ thiệt, hai mươi mấy năm lạc tin nhau, chỉ loáng thoáng nghe bạn lấy chồng rồi chia tay, chỉ đoán chừng bao lớn mối hận tình khiến bạn u sầu thì không sao, còn bây giờ vừa mới chào nhau, vừa mới quay lưng lại – cách một khung cửa đóng, xa một với tay ôm thì đã não lòng đến không chịu được.

Không biết ( 24 năm sau tình cờ đất khách gặp nhau ) của cụ Phan Khôi thấm thía chừng nào chứ 26 năm sau cũng quê người hội ngộ, chẳng phải đôi tình nhân sao chúng mình buồn vui chan chứa, bịn rịn ngẫn ngơ như cái thủa tinh nghịch học trò, hồn nhiên thiếu nữ.

Bạn nói trong điện thoại, giọng trầm ấm như xưa: - Chả lẽ bay một chặng đường dài từ Úc sang Mỹ mà không gặp được H. sao ?. Tôi cười khì an ủi : - Đừng lo, mưa có như Sơn Tinh Thuỷ Tinh, có bão như Katrina tôi cũng tới gặp bồ. Mà tệ thiệt, sao tự dưng hôm nay trời lại mưa mãi mưa hoài không dứt. Mưa làm ủ ê lòng người. Mưa làm cho tôi chợt nhớ những cơn mưa đã tới nhẹ nhàng trong sâu thẳm nào của chập chùng kỷ niệm. Tôi nhớ những cơn mưa tuổi thơ, một lũ lau chau cởi trần chạy tràn trên hè phố, chọn những máng cối to nước chảy xiết để tạt ướt nhau hay xếp dài lăn tròn trên mặt đường, cười át tiếng mưa rơi. Tôi nhớ những cơn mưa phố núi, mưa thê thiết từng cơn, dai dẵng từng ngày, mưa tỉ tê kể chuyện ngắn dài trên con đường tan học đi bộ về nha bùn đỏ vương chân, mưa thủ thỉ cuốn tôi vào những chân trời mơ xa không rõ nét mỗi chiều ngồi trong gian quán nhỏ. Với xứ người ít khi tôi được nhìn mưa như ở bên nhà. Mưa nơi đây chập chờn qua vuông cửa sổ nhìn ra những cành lá đong đưa, mưa nghẹn ngào như hàng lệ lăn dài theo cái gạt kính xe, mưa mịt mùng nhìn theo những cánh chim chiều vội vã tìm về tổ ấm.

Vậy chứ hôm về thăm nhà, khi tôi đang ngồi đợi cắt tóc trong một cửa hiệu sát hông nhà thì tình cờ cơn mưa hè ập đến. Tôi nhìn những bong bóng nước mưa bên vũng nước lề đường sững sờ đến nỗi anh thợ hỏi mấy lần tôi mới trả lời. Dám họ nghĩ tôi tâm thần bạn nhỉ, chứ có ai đi giầy tenis, quần jeans, đội nón lá ngồi say đắm nhìn mưa như thế. Bạn ơi, bao lâu rồi chúng mình không còn cảm được cái chông chênh của đời sống, cái hữu hạn của đời người, cái mong manh của bây giờ và dĩ vãng chỉ qua những bong bóng nước mưa phập phồng và dễ vỡ.

Chao ơi, khi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ giữa phố chợ đông người, ai mà tưởng nổi giữa bọn mình đã có một khoảng dài 26 năm chen giữa, ngày xưa, ba đứa bạn nhỏ chơi thân nhau. Bạn là cô bé trắng trẻo, bầu bỉnh và luôn lí lắc. Sao với tóc xoả ngang vai, dáng gầy hay hát nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi thì mơ mộng và nói nhiều luôn miệng. Bây giờ sau bao năm, cả ba đứa đều thay đổi. Sự thay đổi dễ nhận ra ngay từ cái nhìn mới gặp. Mèn ơi, tháng năm mới bạc bẽo làm sao.nó lạnh lùng lấy đi sự hồn nhiên thơ trẻ, vẻ hồng thắm thơ ngay để trả lại cho bọn mình những nếp nhăn ưu phiền và mái tóc nhuốm màu thời gian mệt mỏi.

Bạn cười, ôm tôi thật chặt : - Sao H. ốm vậy, nhưng tui nhận ra bồ ngay. Tôi thầm nói – Xạo nghe, làm sao nhận ra ngay nếu tui không gọi trước nói tui đứng đợi chỗ này, nhớ không, hồi nhỏ tui tròn quay, cái mặt dùng compas quay 1 vòng tròn thêm mắt, mũi, miệng là ngay chóc. Bây giờ tôi ốm nhách, ốm đến nỗi bà dì quở – sao mặt mày ốm giống y chang như con khỉ, nghe buồn dễ sợ ha. Tôi nhìn bạn, 26 năm có làm bạn ốm đi 1 chút nhưng mái tóc đen dài óng ả, nước da trắng hồng và nụ cười tinh nghịch ngợm vẫn như xưa. Thủa đó, ngay từ đầu năm đệ thất cả ba đứa đã luôn gắn bó bên nhau. Mỗi ngày từ nhà tôi đi bộ tới nhà bạn, Bố bạn là Chánh án nên có xe hơi riêng. Đến giờ tôi vẫn nhớ nư in cái xe hơi có màu đen đó. Bằng xe hơi, bọn mình tới nhà Sao, nhà Sao ở ngay con phố chính Hoàng Diệu, nhìn chếch sang rạp hát, trước nhà sao có sân rộng là nơi bnj mình nhảy dây hay chơi banh chuyền những hôm đi học sớm. Từ nhà Sao bọn mình đi bộ tới trường. Dạo đó trường còn ở bên khuôn viên nhà thờ Thăng Thiên cũ. Còn nhớ bọn mình hay ngồi dưới hang đá Đức Mẹ nhìn ra ngoài song sắt cảnh phố xá tấp nập hay lang thang nhặt những quả thông già lăn lóc trên nền đất chẳng biết để làm gì. Khoảng sân đó có lần tôi đã nhét 2 vạt áo dài vào trong áo len để đánh nhau với “thằng” trưởng lớp vì tôi ăn gian điểm trong kỳ thi năm lớp 6. bạn cười hả. Bất ngờ chứ gì nữa, ai ngờ con nhỏ lanh chanh, ưa gây lộn với cả con trai chỉ vài năm sau – thoát cái kém chăm chỉ rồi là hoá ngay thành con bướm mộng mơ lười biếng.

Bọn mình ngồi ríu rít trong gian bếp nhà Sao. Kêu đi ăn tiệm, khỏi phải nấu nè, khỏi phải rửa chén nè. Sao không chịu. Nhỏ giải thích – Ở nhà có không khí gia đình hơn. Cười nói ồn ào thế nào cũng được. Ai ngờ cô bạn mãnh khảnh gió thổi cũng bay, hát hay nổi tiếng thủa xưa bây giờ đảm đang quá sức. Tôi nói thế, Sao không chịu – thì đời sống nó dạy mình khôn ra chứ ngày nhỏ mình có biếtnấu nướng gì đâu !. sao nói thế thì nghe vậy chứ sách vở công thức nấu ăn nào vào tay tôi cũng đều trat troạt, cũng đều nêm nếm thế mà nấu gì tụi nhỏ cũng chê. Hè vưà rồi, cho tụi nhỏ về thăm quê sau mười mấy năm xa để chúgn không quên nguồn cội da vàng, và trên hết ở gần với ông bà vì lúc đó bố mình bệnh nặng, thời gian sống tính bằng ngày bằng tháng. Chẳng biết tụi nhỏ nói gì mà khi qua lại, cả nhà gởi theo không biết bao nhiêu là sách, là đĩa dạy nấu ăn, không pahỉ tự hào chứ món gì mà tôi không biết nấu. Chỉ có dở hay ngon thôi. Bộ xạo sao mà bạn cứ liếc tui cười.

Trong khi bạn và tôi kể chuyện xưa, Sao chạy ra chạy vào nấu canh, kho cá. Tôi không nhận ra cả chính mình khi nhìn tấm hình ba đứa chụp hôm đám cưới Sao. Trong hình tôi và Sao cười toe, chỉ có bạn là có vẻ đăm chiêu, xa vắng bên cạnh người xưa. Thoắt cái, bao nhiêu kỷ niệm tràn về. Tôi nhớ lại chính tôi ngày hôm ấy từ màu áo đến màu quần, nhớ đến cả bó cúc trắng cầm tay tính đưa tặng bạn ngày vui mà lẫn thẩn sao không nhớ lại mang về. Tôi nhớ, nhớ hết và ân hận suốt một thời thơ trẻ bên nhau, sao tôi chẳng nhận biết ra mối u tình sâu nặng bạn dấu trong tim. Bạn thân mến, có phải vì những đêm trăng thơm nồng hoa dạ lý khiến tiếng đàn ai chao chác hồn người. Hay vì một hôm nao vai áo trắng người nghiêng xuống lời tình ca dịu ngọt khiến trái tim ai nặng trĩu nhớ thương. Nghe tôi hỏi thế bạn chỉ cười cười – chuyện đó xưa rồi, như chuyện cổ tích chị Hằng chú Cuội H. ơi. Ai chả biết xưa rồi, chỉ nhớ mối tình học trò ấy đã làm bạn tôi bao năm quay quắt cho đến ngày bạn quyết định ra đi. Thật hay không như bạn kể, mối tình ấy đã tan vào những con sóng đêm vỗ miệt mài trên rìa đá, bạn một mình ngồi bó gối nhìn biển mênh mông. Ôi biển nơi nao nhạt dấu chân người.

Mà cũng lạ, ở cái tuổi 16, 17 sao nhìn đâu cũng thấy tình yêu, nhớ tới ai cũng nghĩ tình đầu. Tôi còn nhớ một nhà văn nào đó đã viết : tình yêu tuổi học trò như cơn mưa bóng mây. Đúng không. Tôi ghé sát bạn hỏi, gần đến nỗi nhìn thấy từng sợi lông mày : - cho biết cảm tưởng khi gặp lại người cũ đi chứ, sao im lặng dữ vậy. Bộ trái tim còn thổn thức không nói nên lời hả ?

Bạn không trả lời, chỉ đưa tấm hình chụp hôm tái ngộ người xưa cho tôi và Sao coi. – Thấy không, chàng đó, thay đổi dữ lắm, nhìn choáng váng luôn, quên mất người xưa giống như thế nào rồi. Tôi muốn nói với bạn thì ai mà chẳng đổi thay. Nhưng khi phải đeo kính vào nhìn ai rõ mặt thì chính tôi cũng thấy bâng khuâng. Hơn ba mươi nưm chứ bộ ba mươi ngày đâu mà đòi nhìn người ta y chang dáng thư sinh, áo trắng xềnh xoàng ôm đàn hát dưới trăng trong những đêm lửa trại xa xôi.

Chợt Sao hỏi – Nhớ thầy Vận không ? chác thầy mất lâu rồi !. Làm sao tôi quên được dáng thầy với gọng kính đen và cái áo gilê xám. Thầy là người đầu tiên dạy tôi gieo những âm bằng trắc trong điệu ca dao nhưng tôi từ thủa bé đã quen với những ngân nga trầm bỗng của thơ từ chính ông bà ngoại. Mỗi chiều cuối năm, ông mài mực tàu, viết bằng bút lông trên giấy đỏ bản rộng dán lên tường những bài thơ xuân ngụ ý nhắc nhở cháu con. Còn mỗi khi buồn, nhớ bố mẹ (do tôi ở với ông bà ngoại đến năm đệ thất mới về ở cùng bố mẹ) tôi lại ngồi bên cạnh bà trong gian bếp nhỏ, khi bà đang giặt quần áo hay thổi cơm. Bao giờ cũng vậy, giúp tôi vui, bà đèu nói tôi đọc thơ Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính, hay Đồi Thông Hai Mộ ( tôi không nhớ rõ của ai ) cho bà nghe. Toi làm quen với thơ bằng âm thanh nên đến khi tập làm thơ lục bát với thầy Vận bao giờ tôi cũng ít điểm dù luôn là đứa nộp bài đầu. Lý do ư Dễ hiểu là tôi cứ quên xếp chữ theo đúng y vần luật của thầy.

Bạn lại hỏi – nhớ thầy Hoa, thầy Huề dạy Anh văn bọn mình không ? – Nhớ chứ làm sao quên được, nhất là bây giờ nhờ cái vón sinh ngữ góp nhặt từ thử đó để trả nợ áo cơm. Tôi nhớ mãi lần tôi đạp xe giữa nắng trưa về nhà thì gặp thầy Huề đi ngược chiều, Thầy nhận ra tôi và gọi to cả họ lẫn tên như mỗi lần thầy gọi lên bảng trả bài thủa trước. Tôi ngừng xe chào thầy mà mắt đỏ hoe, tôi tủi thân vì thấy mình lam lũ vì miếng cơm manh áo đời thường. Chắc thầy cũng buồn lắm khi thấy đứa học trò cưng thuộc làu làu động từ bất quy tắc của thầy thủa nhỏ giờ nón lá, áo bạc màu, đen đúa nên chỉ hỏi thăm vài câu về cảnh sống rồi thầy trò lại mỗi người một hướng.

Tôi nhắc – Sao và Mơ có nhớ cô Bích dạy toán không Bạn gật đầu lia lịa nhớ chứ, nhớ chứ, cô hiền khô mà. Tôi nhác cả thầy Doanh nhưng bạn lắc đầu vì cả hai đã rời Minh đức từ rất sớm, chỉ có tôi là học đến lớp cuối cùng.

Thế là trong khi dọn bữa cơm chiều, cả ba đứa thi nhau moi móc trong trí nhớ từng tên gọi của thầy cô, từng biệt hiệu của bạn bè để cùng nhau sống lại một thoài hồn nhiên dưới mái trường than yêu cũ. Phải không, chúng mình đã cùng nhau mơ lại thời nhảy chân sáo đến trường trong sớm mai se lạnh, trong trưa nắng ấm nồng chỉ bằng những phút giây ngắn ngủi của nhớ thương và hồi tưởng.

Nhớ thầy Vũ Hoàng với gọng kính đen. Có lần thầy tháo kiếng bỏ trên bàn, dưới ánh đèn tôi tưởng khách lạ nhìn lom lom đến khi thầy đeo kiếng vào mới hết hồn trốn mất.

Sao cười – tui thích giờ dạy văn của thầy Sâm, nghe thầy giảng về Cao Bá Quát hay cuối giờ thầy kể chuyện về đời lính nghe mê luôn. Riêng tôi, tôi nhớ những lần thầy vội vàng lên bục giảng khi vừa trở về từ một chuyến đi xa mà bụi đỏ còn vương trên nếp áo. Trong buổi chiều mưa hôm nay, tôi quên mất bạn đã là bà nội, Sao thì đã có cháu ngoại bồng, tôi chỉ có nguyên cảm giác mình đang ngồi ở đúng chỗ ngồi cũ trong lớp học nhìn lên tấm bảng đen và thay vì là những giòng phấn trắng, lại hiện ra chầm chậm từng khuôn mặt thầy cô, từng dáng vẻ bạn bè.

Tôi hỏi – Sao còn nhớ những tối ban hợp ca của trường lo tập hát để đón giáng sinh không ? Sao kêu nhớ chứ : - Tối nào tập hát xong, Cha Oanh chả hỏi đứa nào đi ăn thịt chó với cha ? Tôi nhớ hầu hết con gái là lắc đầu, trong khi đám con trai thì nhao nhao đồng ý..

Bạn nhớ không khi trường mình là trường đạo, nên trong năm chỉ đến lễ Giáng sinh thì không khí mới sôi động hẵn lên. Nào báo tường, nào giai phẩm, nào văn nghệ. Tôi nhớ có lần đi cùng bố tới Hội trường trên lầu ba để nhận một giải thưởng về văn. Phần thưởng là một chồng truyện của Duyên Anh. Chồng sách ấy đã thất lạc theo lần về Saigon năm 75. bố không còn nữa để lâu lâu về quê cũ, hai bố con ngồi to nhỏ chuyện xưa cạnh cây nguyệt quế, tôi hay hỏi bố : - Bố ơi, bố nhớ hồi đó con mơ làm cô giáo, mơ viết văn không ?

Tôi nhớ cả bạn ơi, Giáng sinh năm 73, trời lạnh cắt da. Dù đã mặc 2 cái áo len dày, mũ chùm tai vẫn không chịu nổi. Buổi tối sau khi quán đã đóng cửa, anh Nhân còn chở anh Điểu, anh Khanh và tôi đi ăn phở gà khô bằng xe jeep. Tôi nhớ mình cứ úp hai tay lên má, rút chân trên ghế xuýt xoa vì lạnh, quên cả tô phở nóng thơm lừng.

Bạn kéo tôi ra nhảy ngoài phòng khách khi con bé út của Sao mở KaraOke để tập hát theo, nhưng tôi lắc đầu ngoầy ngoậy. Nhìn bạn đu đưa, vòng tay ôm một bóng hình dấu mặt lòng tôi bâng khuâng quá. Tôi thương cái giọng trầm trầm mỗi lần bạn kể về mối tình đã đến và đi. Về mối tình chỉ có cái bắt đầu là êm dị còn kết thúc lại lưng chừng bằng nước mắt xót xa. Bạn kể rất ít, thoáng qua như truyện của ai ai về mối tình ngang trái đã tới trong đời nơi xứ người vào những ngày tháng đầu tiên một mình xoay sở với đời sống xa lạ chung quanh. Bạn kể về những bữa ăn bánh mì không cho đỡ đói, về những đêm đông tuyết phủ không dám xài khí đốt vì sợ chẳng đủ tiền, về những trưa nóng khô người lủi thủi đứng chờ xe bus. Tôi không nhớ mình cs chia sẻ, góp ý được gì, nhưng bằng chính trái tim mình, tôi hiểu sâu sắc bạn đã đau khổ quay quắt, hụt hẫng thế nào khi quyết định chia tay, khi cương quyết trả người mình dấu yêu về với những bỏn phận buộc ràng của một mái gia đình êm ấm cũ. Tôi thương bạn đến muốn khóc khi nghe bạn nói

: - Bây giờ mình vui với thằng cháu nội. Tối nào cũng bế nó sang ngủ chung giường. Mấy hôm nay qua đây chơi, nhớ nó không chịu nổi. Tôi hiểu bạn dấu điều gì sau câu nói an phận đó khi trong tim vẫn còn nguyên một khối tình và trong giọng hát trầm kia còn tươi nguyên lời hẹn ước.

Trời vẫn mưa rỉ rả khi a đứa ôm đàn ra phòng khách. Sao than : - Lâu quá không cầm đến cây đàn, mấy ngón tay cững như que củi. Rốt cuộc chỉ có bạn đệm đàn cho Sao hát và tôi vỗ nhịp theo. Dáng bạn ngồi đầu hơi cúi trên phím đàn toats ra một vẻ gì thương cảm quá. Bạn hát một bản tình ca của chính mình, bài hát có lời than thở nhẹ nhàng về một cuộc chia tay, về một lời thề chung thuỷ nửa vời. Bạn nói không hiểu sao mình thích 2 chữ thuỷ chung nên từ ý này tôi có gởi tặng bạn mấy câu thơ

Sao nhớ thương còn như men cay
Lòng đau, đau mãi đến hôm nay.
Thuỷ chung lòng hẹn lòng muôn kiếp
Đâu biết tương phùng như bóng mây
Ta có nhau rồi ta mất nhau
Người xa như bóng cuối chân trời
Người xa như thế chưa từng gặp
Một mình ta hát giữa chơi vơi.

Bài thơ này tôi không đọc Sao nghe vì sợ nhỏ cười trêu – đến tuổi này còn mơ với mộng, thơ với thẩn, thì xấu hổ chết.

Mười một giừo đêm trời vẫn mưa. Sao đè nghị _ Hay bồ ngủ lại đây, tối nay bọn mình nói chuyện mới đã miệng. Trưa mai Mơ đã đi rồi, biết bao giừo gặp lại. Câu nói nhẹ nhàng mà thấm thía. Lần gặp này sau 26 năm. Lần sau là bao nhiêu năm nữa. Dù lòng tha thiết muốn, tôi phải nói thôi – Sáng mai đường kẹt xe lắm, không về kịp đi làm e chủ đuổi,

Chia tay, bạn và Sao chờ tôi khuất hẳn rồi mới vào nhà. Trên đường vè mưa to đến nỗi toi xuýt trượt tay lái ở một khúc quanh.

Trưa qua, chợt nổi cơn đòi ra biển hóng gió. Nhìn biển chấp chới ngoài xa với những con sóng bạc đầu. Nhìn thằng con tung tăng dưới ánh ngắng khoác vai tấm khăn sặc sỡ màu vàng cam in hình con kangaroo bạn cho làm quà từ bên Uc, tôi nhớ bạn không chịu nổi. Tuần lễ sau ạn mới về lại Uc. Bạn vẫn còn dung dăng đâu đó, còn ở chung với tôi một bầu trời, một đất nước mà sao tôi buồn quá vì chúng mình không thể thấy nhau.

Phạm Thu Hương
Houston, 2006